Home Ấn tượng 24H Mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên 2019 trên thị...

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên 2019 trên thị trường chứng khoán

0
Thống kê đến ngày 19/7, toàn thị trường có 174 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, trong đó 156 doanh nghiệp hoạt động có lãi và 18 doanh nghiệp thua lỗ. Đáng chú ý, nhiều đơn vị ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc, gấp nhiều lần so với thực hiện cùng kỳ năm trước đó.

Những doanh nghiệp báo lãi trên 100%

Theo thống kê có 15 doanh nghiệp báo lãi trên 100%, phần lớn đều là những cái tên khá xa lạ với nhà đầu tư do quy mô nhỏ, cùng với thanh khoản cổ phiếu khá thấp trên thị trường. Trong đó, sàn HNX và thị trường UPCoM đóng góp 6 đại diện mỗi sàn, còn lại 3 cái tên trên sàn HOSE.

Cụ thể, CTCP Đầu tư – Thương mại – Điện lực (PIST – Mã: EIN) dẫn đầu danh sách với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 105 lần trong nửa đầu năm 2019. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản. Những năm trước PIST thường ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khá èo uột.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019 doanh thu thuần của PIST đạt 56,56 tỉ đồng, tăng trưởng 162,6% so với cùng kì. Không chỉ có vậy, doanh thu tài chính cũng tăng gần gấp đôi, dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng 105 lần, đạt 4,2 tỉ đồng.

Xếp sau đó, hai doanh nghiệp khác cũng báo lãi tăng hơn 10 lần gồm Đầu tư DNA (Mã: KSD) với tỉ lệ tăng trưởng 1.417,6% và Đầu tư LDG (Mã: LDG) báo lãi tăng 1.058,1%. Mặc dù có mức tăng trưởng nằm trong top đầu, hoạt động kinh doanh hai công ty này trong nửa đầu năm 2019 không gì đặc biệt, việc tăng trưởng lợi nhuận khủng là do kết quả cùng kì năm 2018 giảm sâu.

Báo lãi khủng, kinh doanh không có gì nổi bật

Chứng khoán Bảo Minh (Mã: BMS) có doanh thu giảm 35,9%, tuy nhiên nhờ khoản thu từ đánh giá lại các tài sản tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng trưởng tới gần 415%.

Tương tự, hoạt động kinh doanh của Tư vấn Xây dựng điện 3 (Mã: TV3) không có gì nổi bật so với so với năm trước, tuy nhiên lợi nhuận vẫn tăng trưởng gần 456 lần, đạt 1,89 tỉ đồng.

Một cái tên đang khá “hot” trong nhóm phát triển khu công nghiệp là Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Mã: D2D) cũng ghi nhận doanh thu giảm gần 5% so với cùng kì, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 107%. Trong 6 tháng đầu năm, các khoản thu từ cho thuê hạ tầng KCN và các dịch vụ khác của D2D hầu như không thay đổi. Nhờ giá vốn thấp, mảng bất động sản, đặc biệt từ khoản thu 45,8 tỉ đồng từ dự án KDC P. Thống Nhất và 38 tỉ đồng KDC Lộc An mang lại lợi nhuận đột biến cho D2D.

Những doanh nghiệp báo lãi khủng từ việc cải thiện doanh thu

Trong diễn biến khác, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng xuất phát từ việc mở rộng kinh doanh và tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, CTCP Thống Nhất (Mã: BAX) có doanh thu tăng 367% trong 6 tháng đầu năm; lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 6 lần.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh là do trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu từ dự án Khu trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo, cùng với việc doanh thu tài chính tăng gấp ba lần.

Cũng hưởng lợi từ làn sóng cho thuê khu công nghiệp, Phát triển Đô thị và KCN Cao su Việt Nam (Vinaruco – Mã: VRG) đạt doanh thu 6,5 tỉ đồng, tăng 85,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ có thêm doanh thu tài chính 7,5 tỉ đồng từ tiền gửi ngân hàng, lợi nhuận của Vinaruco đạt 4,83 tỉ đồng, tăng trưởng 159,7%.

Là một doanh nghiệp có qui mô nhỏ, Constrexim Số 8 (Mã: CX8) ghi nhận 48,53 tỉ đồng doanh thu, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 9 triệu đồng, tăng gấp 9 lần cùng kỳ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Cấp thoát nước Lâm Đồng (Mã: LDW), Đóng tàu Sông Cấm (Mã: SCY), Xuất nhập khẩu Đông Dương (Mã: DDG), Điện lực Dầu khí Bắc Kạn (Mã: PBK), Nhiệt điện Ninh Bình (Mã: NBP), Thủy sản Cửu Long An Gian (Mã: ACL) báo lãi lớn trong nửa đầu năm 2019/.

Giá cổ phiếu diễn biến trái chiều

Phản ứng với kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự bứt phá trong thời gian qua.

Trong đó, cổ phiếu BAX dẫn đầu về mức tăng giá với tỉ lệ gần 76%, đồng thời có giá cao nhất với 71.000 đồng/cp. Xếp sau đó, hai mã thuộc nhóm phát triển KCN là D2D và VRG có tỉ lệ tăng lần lượt 49,13% và 47,96%.

Cổ phiếu EIN cũng tăng 46,67% lên 4.400 đồng, mức giá thấp nhất trong nhóm. Hai cổ phiếu còn lại có mức tăng khiêm tốn hơn, trong đó cổ phiếu NBP tăng 30,56% và cổ phiếu DDG tăng 16,44%.

Trong khi đó, một số cổ phiếu chứng kiến giao dịch kém khởi sắc khi giá cổ phiếu liên tục giảm sâu. Cụ thể, cổ phiếu LDG dẫn đầu chiều giảm với tỉ lệ 13,06%, xuống còn 8.590 đồng/cp. Nếu tính từ đỉnh gần nhất 15.000 đồng/cp vào tháng 10/2018, cổ phiếu này đã mất 43% giá trị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TV3 giảm 11,85% xuống còn 32.700 đồng/cp; cổ phiếu ACL giảm 5,6% xuống 38.750 đồng/cp.

Ngoài ra, những cổ phiếu còn lại có thanh khoản rất thấp, chỉ vài chục đến vài nghìn đơn vị mỗi phiên, giá cổ phiếu cũng không thay đổi nhiều.

Cổ phiếu CX8 tăng 5,56%, trong khi hai mã KSD và BMS giảm lần lượt 3,33% và 6,15%. Đặc biệt, các cổ phiếu LDW, SCY, PBK gần như không có giao dịch.

Như vậy, thống kê từ những doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận đột biến thường do ghi nhận từ các hoạt động kinh doanh không cốt lõi, như hoạt động tài chính hay hoạt động khác. Hơn nữa, đây hầu hết là các doanh nghiệp có qui mô nhỏ nên không mang tính đại diện cho toàn thị trường.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố BCTC nửa đầu năm. Do vậy, khi kết quả kinh doanh của các đơn vị này hé lộ, bức tranh lợi nhuận toàn thị trường sẽ được thể hiện chính xác và rõ nét hơn.

Theo Anh Khang T/h/Thời báo Chứng khoán