Home Chứng khoán Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán phải minh bạch thông tin

Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán phải minh bạch thông tin

0

Theo PGS.TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết là yêu cầu tất yếu nếu muốn nâng hạng thị trường chứng khoán.

Chú thích ảnh
Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin bằng tiếng Anh. Ảnh: CTV

Cơ hội hút dòng vốn vốn ngoại

“Tại nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) đang phát triển cho thấy, việc phụ thuộc vào mức độ tự nguyện trong cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thường đem lại hiệu quả không cao do các doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu đúng về các lợi ích của minh bạch thông tin”, PGS TS Trần Việt Dũng cho biết.

Mặc dù cơ quan quản lý đã có các quy định, văn bản luật đầy đủ về nghĩa vụ công bố nhưng việc tuân thủ của các công ty vẫn rất hạn chế. Một số công ty công khai thông tin mang tính hình thức, thông tin không đầy đủ, thậm chí đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, để nâng cao minh bạch thông tin thị trường, theo ông Trần Việt Dũng, vai trò của việc thanh tra giám sát thị trường rất quan trọng.

Theo ông Đặng Hồng Quang – Giám đốc, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Cụ thể, vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn: HoSE, HNX và UPCoM vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 246 tỷ USD, gấp 5,6 lần so với 10 năm trước. 

Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,1 tỷ USD, gấp 17 lần so với 10 năm trước. Số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện tại lên đến 48 công ty, so với 10 năm trước chỉ có 8 công ty.

“Tuy nhiên vì nhiều lý do, TTCK Việt Nam vẫn được 2 Tổ chức xếp hạng thị TTCK có tiếng trên thế giới là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như ‘một con cá lớn nằm trong ao nhỏ’ do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Các nước xếp ngay sau Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%”, ông Đặng Hồng Quang cho biết.

Do vậy theo VinaCapital, việc nâng hạng TTCK Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Đó là sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF). Nhờ huy động được vốn, các doanh nghiệp niêm yết sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

VinaCapital ước tính trong trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD.

Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Chính vì vậy, việc phân loại, xếp hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng lớn có ảnh hưởng quan trọng đến việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu. 

Việt Nam đang được MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 – Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – Thị trường mới nổi. Trong chỉ số FTSE Russell Frontier Index, tính đến ngày 31/8/2023, thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 34% mức vốn hóa lớn nhất với 103 công ty. Việt Nam cũng có 6 trong số top 10 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này.

“Do đó, Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức thị trường cận biên. Không như nhiều thị trường khác, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài – NĐTNN”, ông Vũ Chí Dũng cho biết.

Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho NĐTNN, cũng như khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp trên thị trường.

“Hiến kế” để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng

“Chúng ta có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI. Tôi nhìn nhận, chúng ta cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật liên quan đến tính công khai và minh bạch. Việt Nam đang rất thiếu yếu tố này, trong khi đây là nền tảng phát triển vững chắc cho TTCK. Việt Nam cần tạo sức ép quản trị, giám sát, và nâng tầm quản trị. ‘Size’ thị trường ngày càng lớn khi có những thời điểm chiếm 100 – 120% GDP, các doanh nghiệp niêm yết cần có cách thức quản trị khác”, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Theo ông Cấn Văn Lực, với cấp độ FTSE, Việt Nam đang thiếu 2 chỉ tiêu quan trọng: Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ, có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán. Do vậy, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót; kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000 – 5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. “Giải pháp nữa là tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán (CTCK) để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, CTCK được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, CTCK được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết.

Đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán

Theo ông Nguyễn Văn Phụng – chuyên gia tài chính doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa trên thị trường là vấn đề căn cơ nhất. Cùng với đó, doanh nghiệp niêm yết phải minh bạch thông tin nhưng thông tin đó phải chuẩn xác. Mặt khác, doanh nghiệp kiểm toán khi đưa ra kết quả đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp niêm yết cũng phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trình độ của kiểm toán viên.

Nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, đại diện UBCKNN cho biết: Thời gian tới, UBCKNN sẽ khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Mục tiêu là tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài.

Về các tiêu chí của MSCI, chứng khoán Việt Nam còn thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; “room” khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.

Theo ông Vũ Chí Dũng, để thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Thứ hai, rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam theo các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của NĐTNN tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư, về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ năm, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem công tác nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “Cận biên” lên “Mới nổi” là một trong những mục tiêu trọng yếu.

Chính vì vậy cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu này. Hiện, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, nhưng vẫn còn một số tiêu chí cần tiếp tục hoàn thiện và cần sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành, thành viên thị trường.

Minh Phương

Link nguồn