Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16,928 tỷ USD
Nhiều năm gần đây, lĩnh vực lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành nông nghiệp về xuất siêu với giá trị cao, đặc biệt là từ năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản luôn đạt trên 10 tỷ USD.
Theo báo Công thương, về khai thác lâm sản, năm 2022 cả nước giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%, lâm sản ngoài gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,3%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2021. Như vậy, năm 2022, toàn ngành xuất siêu ngành gỗ và lâm sản ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.
Cả nước đã thu được hơn 3.686 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022, bằng 120,6% so với năm 2022. Trong đó Quỹ Trung ương thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh.
Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng. Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng.
Theo đó, đến nay đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha.
Thông tin trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 30/12.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp trong năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên. “Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời”, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy. Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.
Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp không hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.
Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất ít, kinh phí nhà nước cấp hàng năm giảm, nơi có nơi không, cấp không kịp thời theo kế hoạch làm cho nhiều chủ rừng phải ký nợ tiền khoán bảo vệ rừng với người dân, mức khoán bảo vệ rừng trung bình khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải trên 1.000.000 đồng/ha.
Theo báo Dân việt, về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp, PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cũng chỉ rõ: Việc tuyển sinh các ngành kiểm lâm, lâm sinh rất khó khăn, tuyên truyền nhiều nhưng các ngành ngày chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các em học sinh. Thậm chí có năm, chỉ có 8-10 em học ngành lâm sinh.
Để thu hút các em thi tuyển vào ĐH Lâm nghiệp, ông Toại cho biết đơn vị sẽ xây dựng hình mẫu trường THPT trong trường ĐH Lâm nghiệp; thực hiện các chế độ ưu đãi về học phí, kết nối với Hiệp hội Gỗ và lâm sản để bảo trợ đầu ra cho các em học ngành này.
Mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ông Bùi Chính Nghĩa cho hay, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5 – 5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định khoảng 42%; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD; trồng rừng tập trung 245.000 ha, trong đó, có 240.000 ha trồng rừng sản xuất; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, ngành sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và triển khai Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giải đoạn 2021 – 2030; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy.
Gỡ khó về thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ngành gỗ
Bộ NN-PTNT đã gửi công văn cho Bộ Tài chính ngày 5/12 đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Trong công văn này, Bộ NN-PTNT nêu rõ, theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín. Vì trong văn bản số 2124/CT-TTKT ngày 22/5/2020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT.
Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 73, Điều 75 Luật Quản lý thuế năm 2019, hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế là hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
Do đó, việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ.
Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế VAT.
Tuệ Minh (tổng hợp)