Home Ấn tượng 24H NCB không ‘lựa chọn’ cổ đông chiến lược bằng mọi giá

NCB không ‘lựa chọn’ cổ đông chiến lược bằng mọi giá

0

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng Việt Nam đã lựa chọn được các định chế tài chính lớn của nước ngoài làm cổ đông chiến lược. Không nằm ngoài lộ trình này, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đang có những bước đi nhằm tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực cho hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, không vì thế mà NCB lựa chọn cổ đông chiến lược bằng mọi giá mà sẽ tìm kiếm để “chọn mặt gửi vàng”.

Giải bài toán “khát vốn” của ngân hàng nội

Có thể nói, trào lưu “tìm vốn ngoại” với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được các ngân hàng Việt ráo riết thực hiện từ lâu, đặc biệt là giai đoạn 2005 – 2011. Mở đầu là ba thương vụ năm 2005 giữa ACB – Standard Chartered, Techcombank – HSBC và Sacombank – ANZ.

Được thúc đẩy bởi sự mở rộng của hệ thống tài chính, “miếng bánh” ngân hàng thời điểm đó đã hấp dẫn các đối tác ngoại. Mối quan hệ hợp tác, ngoài lợi ích kinh doanh khi tham gia sâu hơn vào quản trị, còn giúp những đối tác ngoại gián tiếp “khảo sát” hệ thống tài chính Việt Nam, đặt những “viên gạch đầu tiên” để bước vào một thị trường tài chính dù mới mẻ nhưng vẫn còn những phân khúc hấp dẫn.

Tiếp đó, năm 2006, VPBank “kết duyên” với Overseas Chinese Banking Corporation Limited (OCBC). Năm 2007, Eximbank bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui. Rồi sau đó, lần lượt OCB, ABBank, Vietcombank, SeABank, VIB và cuối cùng là VietinBank tìm được những đối tác ngoại ưng ý. Có thể nói, hàng nghìn tỷ đồng từ những thương vụ này tiếp thêm nguồn lực cho khối ngân hàng nội, vừa giúp đẩy mức vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, vừa tạo nguồn lực cho việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng nội luôn thu hút nhà đầu tư ngoại.

Theo các chuyên gia, cho đến nay, dòng vốn ngoại vẫn luôn là điều cần thiết với hệ thống ngân hàng – những định chế có quy mô vốn lớn mà việc huy động từ những nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển dịch lên những tiêu chuẩn quản trị cao hơn, như Basel II, đây có thể là một động lực không thể thiếu để giải quyết bài toán “khát vốn” của các TCTD Việt Nam hiện nay.

Cho đến thời điểm này, nhiều đối tác ngoại đã chia tay với ngân hàng Việt. Việc chia tay của các cổ đông nước ngoài có thể có nguyên nhân từ việc đầu tư của họ mang tính chiến lược ngắn hạn cho từng giai đoan.

Việc đầu tư vào ngân hàng phải mang tính dài hạn và quan trọng hơn hết là nhà đầu tư và ngân hàng mời gọi đầu tư phải có chung tầm nhìn chiến lược cho phát triển lâu dài và ổn định. Khác với sự ồ ạt của cách đây 10 năm, các ngân hàng nội, với quy mô và tầm vóc khác xa giai đoạn trước, đang có nhiều toan tính hơn cho việc chọn lựa và NCB là trường hợp ví dụ điển hình.

Tìm nhà đầu tư chiến lược để “chọn mặt gửi vàng”

Như đã phân tích ở trên, thực tế cho thấy, sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam đã tạo động lực và điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời khẳng định được tầm vóc, thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế.

Không nằm ngoài các tiêu chí trên, Ban Lãnh đạo NCB xác định trước khi quyết định tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược của mình, các ngân hàng Việt Nam nói chung và NCB nói riêng đều mong muốn lựa chọn được nhà đầu tư có uy tín, có năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro; Áp dụng công nghệ hiện đại; Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Phát triển sản phẩm các lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Tiến – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NCB: “Chúng tôi không lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược bằng mọi giá, bởi việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài không chỉ đạt được mục đích nêu trên trong ngắn hạn, mà phải mang lại lợi ích lâu dài cho hai phía. NCB tìm nhà đầu tư chiến lược dài hạn phù hợp với chiến lược kinh doanh của NCB”.

Do vậy, trước khi tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, NCB đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp với nhu cầu và đặc điểm thực tế của mình, bao gồm: tổng tài sản, kinh nghiệm hoạt động quốc tế, xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế,…

“Lựa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài là một quá trình khá phức tạp, vừa phải tìm một đối tác phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, vừa phải tuân thủ những quy định luật pháp liên quan đến cổ đông chiến lược”, ông Tiến chia sẻ.

NCB tăng cường hợp tác với đối tác trong và ngoài nước.

Về việc lựa chọn cổ đông chiến lược, các bên phải phối hợp như thế nào, hoà hợp văn hoá ra sao, quản trị công ty như thế nào,… để cùng nhìn vào những khía cạnh tích cực của cả hai bên, nhằm đạt được giá trị cộng hưởng tốt nhất.

Khi lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, không chỉ riêng NCB mà các ngân hàng Việt Nam đều mong muốn được tiếp cận một hệ thống quản trị nội bộ tiên tiến hơn và được cổ đông chiến lược nước ngoài hỗ trợ quản trị nguồn nhân lực, sắp xếp lại mô hình hoạt động theo hướng hiện đại hơn, quản lý hoạt động ngân hàng mang dáng dấp của ngân hàng hiện đại.

Hơn nữa, tìm một đối tác chiến lược để hỗ trợ NCB phát triển mạnh ngân hàng số (digital banking) là một điều rất quan trọng. Digital banking là xu hướng toàn cầu, NCB không có lựa chọn nào khác hơn là đầu tư và đẩy mạnh loại hình ngân hàng này để đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại của người dân và để hội nhập nhanh vào cộng đồng ngân hàng toàn cầu.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Để có sức hút với các định chế tài chính chiến lược kinh doanh cho những năm tới, Ban Lãnh đạo NCB cần nên thực hiện kế hoạch đưa NCB vào nhóm các ngân hàng bậc trung thông qua việc tăng vốn điều lệ và tổng tài sản trong vòng 5 năm tới. Không chỉ tìm nhà đầu tư hỗ trợ vốn, mà cần tìm một “partner’, một bạn đồng hành trong việc xây dựng ngân hàng này trở thành một trong những ngân hàng của Việt Nam tiên phong tiến vào thị trường tài chính trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”.

Theo Nhật Hà/ Vietnam Finance