Làm sao để công nhân lao động có thể tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn để không phải tìm đến “tín dụng đen” là bài toán mà các ngân hàng và tổ chức công đoàn đang đi tìm lời giải.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” hoành hành là do nhiều công nhân vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Nhu cầu của công nhân là vay tiền nhanh, thời hạn ngắn, thủ tục nhanh gọn và không muốn thế chấp tài sản… chính vì vậy đã tạo cơ hội cho những đối tượng cho vay nặng lãi “ra tay”.
Làm sao để công nhân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn? Làm sao để các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ có được đồng vốn giá rẻ dể quay vòng, phục hồi nhanh sau đại dịch, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện tình trạng thu nhập thấp hay không có thu nhập để người lao động phải tìm tới “tín dụng đen”… chính là bài toán mà các ngân hàng và tổ chức công đoàn đang tìm lời giải.
Tăng khả năng tiếp cận vốn, phát triển tài chính vi mô
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết mặc dù số vụ việc về “tín dụng đen” đã giảm hơn một nửa so với năm 2017 nhưng trên thực tế, đây vẫn là thực trạng buồn tại nhiều nơi, thậm chí có xu hướng tăng lên ở một số địa phương.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” vẫn còn đất để hoạt động là do nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa khá cao. Tuy nhiên, các nhu cầu này có thể xuất phát từ mong muốn chính đáng của người dân để đáp ứng sinh hoạt hằng ngày, song cũng có không ít là xuất phát từ nhu cầu không chính đáng như hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội…
“Chính vì vậy, ngoài những giải pháp đã và đang thực hiện, chúng tôi cải tiến chính sách để các ngân hàng mạnh dạn cho vay, để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nhỏ, giải quyết nhu cầu ốm đau, con cái đi học, đám hiếu, hỷ… trong thời gian ngắn. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển thị trường cho vay nhỏ lẻ,” ông Đào Minh Tú cho biết.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã giao Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) triển khai chương trình tín dụng quy mô lớn dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng và được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản đảm bảo. Doanh số lũy kế của chương trình đến nay đạt gần 65.000 tỷ đồng, gấp 13 lần quy mô dự kiến ban đầu, với gần 700.000 lượt khách hàng được vay vốn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường tài chính vi mô để người yếu thế có thể tiếp cận được hệ thống tài chính ngân hàng. Hiện các ngân hàng quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tích cực.
Thực chất, vay tín chấp ở các khu công nghiệp hiện nay đang được rất nhiều ngân hàng và công ty tài chính đáp ứng với các sản phẩm cho vay đa dạng; trong đó đặc biệt là sản phẩm vay theo lương với nhiều phân khúc sản phẩm vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại lớn và các công ty tài chính hỗ trợ.
Đối với các công ty tài chính, phân khúc khách hàng chủ yếu là những người dân có thu nhập trung bình như công nhân và bảo vệ khu công nghiệp. Các gói vay tại công ty tài chính có điều kiện khá dễ dàng so với các ngân hàng thương mại như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu và một số giấy tờ chứng minh thu nhập như hợp đồng lao động, sao kê lương. Đây là một lợi thế cho người lao động ở các khu công nghiệp nếu muốn chọn một tổ chức tín dụng uy tín để vay khi có nhu cầu chính đáng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hai ngân hàng HDBank và VPBank phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói vay ưu đãi tiêu dùng trị giá lên tới 20.000 tỷ đồng cho công nhân lao động, với thủ tục đơn giản, mức lãi suất thấp.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Công ty tài chính FE CREDIT thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty tài chính HD SAISON thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cam kết mỗi ngân hàng triển khai một gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc giám sát cho vay đồng thời mong muốn có sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đảm bảo số tiền này sẽ cho vay đúng đối tượng, quản lý được khoản tiền vay đúng mục đích.
Tận dụng công nghệ để loại trừ bẫy “tín dụng đen”
Đề xuất giải pháp giảm trừ “tín dụng đen” tại Việt Nam, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng trước tiên cần tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Trong số đó, các cơ quan chức năng cần tập trung vào cơ chế, chính sách cho vay đối tượng dễ bị tổn thương, ưu tiên phát triển thị trường vốn, quỹ đầu tư và chú trọng củng cố, lành mạnh hóa và phát triển hệ thống tài chính vi mô…
“Trong mọi trường hợp, lãi suất cho vay theo thị trường vẫn thấp hơn nhiều so với tín dụng đen,” ông Lực khẳng định.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ cần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số. Theo đó, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý với các loại hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực tài chính như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng…; đặc biệt sớm đưa vào vận hành cơ chế thí điểm sandbox để khuyến khích sự phát triển của Fintech.
Liên quan đến việc phát triển tài chính số, nhiều ngân hàng, công ty tài chính cũng đang chuyển đổi dần từ phương thức cho vay truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử…
Một số ngân hàng cũng đã đưa ra các gói cho vay tiêu dùng tín chấp giá trị từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng triển khai online từ khâu đăng ký vay cho đến phê duyệt và giải ngân, giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải đến ngân hàng.
Trong khi đó một số chuyên gia cũng cho rằng các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh hình thức cho vay ngang hàng (P2P Lending), đây là giải pháp đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, giúp kiểm soát “tín dụng đen.”
P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Ngân hàng Nhà nước, về mặt lý thuyết hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội nhưng có khả năng tiếp cận internet qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen.”
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của “tín dụng đen”.
Đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.
Hồng Kiều
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-chung-tay-giai-bai-toan-an-cu-lac-nghiep-cho-cong-nhan/813135.vnp