Không chỉ hộ dân chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp thuộc ngành điện và sản xuất đều chịu mức tác động đáng kể khi giá điện ổn định 4 năm qua nay lại tăng đến 3%.
Trong báo cáo mới nhất của Chứng khoán Mirae Asset, đội ngũ phân tích cho rằng, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực, điển hình là xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Theo Quyết định số 377 ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, ngày 4/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 3%.
Như vậy sau bốn năm không tăng giá, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,4 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên 1.920,3 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh, tương ứng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Chứng khoán Mirae Asset nhận thấy, trong vòng 10 năm kể từ 2009-2019, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm. Điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên điện nếu tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, còn tăng 5% thì CPI tăng 0,175%.
Theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng lại chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Còn với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỉ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Với giả định chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Các chuyên gia ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là: LNTT ngành Thép giảm 15%, LNTT ngành giấy giảm 2%, LNTT ngành xi măng giảm 13%, LNTT ngành hóa chất giảm 1%.
Như vậy, có thể nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.
Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ, Chứng khoán Mirae Asset đưa ra kết luận, giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đối với ngành điện, trên thực tế, các công ty ngành này đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất.
Với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.
Tuy nhiên, tác động này có thể là tích cực nhưng chưa thực sự rõ nét. Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Phạm Hồng Nhung