Ngày hội Văn hoá Thể thao quảng bá Du lịch Đà Bắc khai mạc tối 2/12 trên quê hương đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách với những tiết mục văn nghệ đặc, đậm tính bản địa như múa chuông của người Dao, hát Mo hay múa nhạc cụ xòe roi mặt mẻ của người Mường.
Là một huyện vùng núi cao ở Hoà Bình, Đà Bắc dù cách thủ đô chỉ khoảng 100km nhưng còn chứa đựng nhiều hoang sơ, bởi vài năm trước giao thông còn rất khó khăn. Nhưng, chính vì sự “cách ly” với xã hội của nhiều thôn bản, giúp Đà Bắc lưu giữ được nhiều nét văn hoá đặc sắc, bên cạnh cảnh sắc hoang sơ, bình dị của vùng non nước.
Đà Bắc có 5 dân tộc anh em: Kinh, Tày, Mường, Dao, Thái. Ở các thôn bản, ngoài những ngôi nhà được bảo tồn giữ nguyên trạng kiến trúc bản địa với nhà sàn gỗ lợp mái cọ, nhà đất trệt lợp mái lá, người dân tộc còn được khuyến khích gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu tay,…
Biến sự “lạc hậu” trở thành “tài nguyên”, lãnh đạo huyện Đà Bắc quyết tâm khai thác nét đẹp ấy để đưa Đà Bắc nhập cuộc vào nền công nghiệp không khói: du lịch. Ông Lường Văn Thi, chủ tịch UBND huyện đã thể hiện quyết tâm rằng: “Đà Bắc giữ lại hoang sơ, bảo lưu bản sắc để phát triển du lịch”. Ông Thi tự hào về những “di sản” có đời sống riêng mà người Đà Bắc gìn giữ được đến hôm nay.
“Ngày hội Văn hoá Thể thao quảng bá Du lịch 2023” được tổ chức trong hai ngày 2-3/12 để quảng bá vẻ đẹp văn hoá và thiên nhiên hữu tình ấy. Trong chương trình khai mạc ngày hội tối 2/12, du khách được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ dân tộc đặc sắc: từ múa chuông của người dao, cồng chiêng của người Mường.
Nếu múa chuông mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, được sử dụng trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc như: Tết nhảy, Lập tĩnh, tết thanh minh, tiễn đưa người mất, Cầu mùa….
Đêm hội cũng khắc hoạ sự giàu có của kho tàng dân gian người Mường (nhóm dân cư đông đảo ở Đà Bắc nói riêng, Hoà Bình nói chung) như hát Mo, múa nhạc cụ xoè roi mặt mẻ.
Những điệu múa nhạc cụ xòe roi mặt mẻ được xuất hiện trong các nghi lễ ma chay của người mường ạu tá xã Tiền Phong, mô phỏng về đêm trước ngày đưa tiễn các cụ về nhà rừng với tổ tiên được tái hiện trên sân khấu lại mang không khí hoàn toàn khác.
Dân ca là một thể loại đặc sắc nhất của dòng chảy văn hóa dân tộc mường, là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt Cổ. Người Mường dùng các làn điệu dân ca để lưu lại những phong tục tập quán, thói quen trong cuộc sống hàng ngày và để bày tỏ những cung bậc cảm xúc của mình với người nghe…Dân ca mường tuy giản dị nhưng có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng dân tộc Mường Hòa Bình.
Điều đặc biệt, tham gia ngày hội, du khách thập phương còn được thưởng thức các đặc sản của người Đà Bắc chế biến như: thịt lợn gác bếp, bò gác bếp, gà đồi, cá sông Đà, lợn bản và những gia vị mắc khén, hạt đổi rừng, chẩm chéo,…
Bà Bàn Thị Kim Quy cũng cho rằng, ban lãnh đạo huyện sẽ đồng sức đồng lòng trong việc phát triển du lịch, theo đúng đường hướng gìn giữ thiên nhiên và những nét đẹp nguyên bản của từng tộc người.
Cũng trong khuôn khổ ngày hội, những người đồng bào có dịp hội ngộ cùng chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, bán những mặt hàng thủ công do chính đôi tay mình làm ra, hoặc đơn giản, để có dịp xúng xính trong những bộ đồ đẹp nhất.
CHỈ SỐ DU LỊCH CỦA ĐÀ BẮC Du lịch huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giai đoạn 2015-2020 bình quân tăng 42,2%/năm; khách du lịch tăng 2,52%/năm; từ 2020 – 2022 bình quân tăng 47,6%/năm, trong đó khách du lịch tăng 18,5%/năm và chiếm tỷ trọng đáng kể trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của huyện. Năm 2023, huyện Đà Bắc hiện có 30 cơ sở lưu trú: 18 homestay, 11 nhà nghỉ, 01 khách sạn 2 sao. Tổng số lượt khách đến thăm quan nghỉ dưỡng ước đạt: 170.100 lượt; trong đó khách du lịch nội địa là 166.060 lượt, khách du lịch quốc tế là 4.040 lượt. Doanh thu ước đạt khoảng 80 tỷ đồng. |
PV