“Nhà tôi ở gần đường Phạm Văn Đồng. Năm 2016, TP tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 3, tổng diện tích sau khi GPMB của gia đình tôi còn lại 14,3m2.
Tôi muốn xin giấy phép xây dựng lại ngôi nhà để ở, nhưng chính quyền địa phương không cho phép. Thời gian gần đây tôi nghe thông tin những mảnh đất có diện tích như vậy sẽ bị thu hồi. Vậy xin quý báo cho biết, thực hư việc này thế nào, nhà tôi có bị thu hồi không?” – Nguyễn Thị Lành, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm
Chị Lành thân mến!
Khoảng chục năm trở lại đây, xuất hiện thuật ngữ “nhà siêu mỏng, siêu méo”. Đây là những ngôi nhà được hình thành sau khi TP Hà Nội tiến hành triển khai dự án mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường, mà tuyến đường đó cắt chéo qua khu dân cư, các công trình, thửa ruộng dẫn đến hình dạng của các công trình, khu đất còn lại xuất hiện những góc nhọn.
Trong khi đó, phần lớn người dân do tâm lý không muốn rời khỏi nơi mình đã sinh sống suốt nhiều năm, nên vẫn cố gắng bám trụ lại trên phần diện tích đất còn lại sau đền bù GPMB. Việc chỉnh sửa, xây mới các công trình trên mảnh đất có góc nhọn không đủ yêu cầu về diện tích, chiều sâu nên những công trình này được gọi là công trình “siêu mỏng, siêu méo” nằm liền kề với mặt đường gây mất mỹ quan đô thị.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về điều kiện được phép xây dựng các công trình, nhà ở trên mảnh đất sau khi đền bù GPMB phải đáp ứng các tiêu chí: Về tổng diện tích không được nhỏ hơn 15m2; có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu (so với chỉ giới xây dựng) không được dưới 3m. Như vậy, diện tích đất nhà chị sau khi đền bù GPMB chỉ còn lại là 14,3m2 là không đủ điều kiện để địa phương cấp Giấy phép xây dựng, chính quyền địa phương đã thực hiện đúng theo quy định chung của TP.
Hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm công trình, mảnh đất “siêu mỏng, siêu méo” đang tồn tại. Để xử lý vấn đề này, tháng 4/2018 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1758/UBND-ĐT, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch còn tồn đọng cũ trước năm 2005, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Chỉ thị 20/2016/CT-UBND.
Quyết định có nêu rõ: Giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm đối với các trường hợp công trình nằm đan xen với công trình xung quanh, người dân đã tự cải tạo chỉnh trang trên cơ sở nguyên trạng cũ, người dân đã ăn ở mưu sinh ổn định từ nhiều năm, có điều kiện để người dân tự hợp thửa, hợp khối. Xử lý thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại gây phản cảm để phục vụ mục đích công cộng. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2 mà không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối; có biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện.
Để xử lý các trường hợp phát sinh mới trên các tuyến đường đang được mở rộng, chỉnh trang như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… UBND TP cũng đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm chỉnh theo Quyết định số 1758/UBND-ĐT. Như vậy, trường hợp của gia đình chị bắt buộc phải tiến hành hợp thửa, hợp khối, sau khi chính quyền địa phương có văn bản thông báo về việc hợp thửa, hợp khối thì gia đình chị cần phải nhanh chóng tiến hành thỏa thuận với các gia đình lân cận về lợi ích của đôi bên về giá trị thực tế của mảnh đất.
Nếu sau khoảng thời gian theo quy định, các hộ gia đình không thể tiến hành thỏa thuận được với nhau thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành thu hồi và chỉ được đền bù theo khung giá quy định của Nhà nước. Chúc gia đình chị và gia đình sớm thỏa thuận được với các hộ lân cận về vấn đề hợp thửa, hợp khối theo quy định của TP.
Theo Kinh tế Đô thị