Home Bất động sản Nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc – Nam đạt doanh thu...

Nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc – Nam đạt doanh thu kỷ lục

0

Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ghi nhận doanh thu cả năm 2022 tăng 13% lên mức 2.095 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này mới chỉ hoàn thành 83% chỉ tiêu doanh thu đề ra.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần hơn 614 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. 

Doanh thu tài chính giảm mạnh từ 4,9 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 551 triệu đồng trong khi các chi phí tài chính tăng cao khiến lãi thuần của doanh nghiệp giảm 12% xuống còn 82 tỷ đồng. 

Cấn trừ đi các chi phí, HHV báo lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 75 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lãi 77 tỷ đồng cùng kỳ. 

Năm 2022, HHV ghi nhận doanh thu thuần kỷ lục ở mức 2.094 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ các trạm thu phí BOT chiếm 71% tổng doanh thu của công ty khi đạt 1.491 tỷ đồng, hoạt động xây lắp cũng chiếm tới 25% doanh thu của công ty khi đạt 530 tỷ đồng.

Trong năm, dù công ty đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp còn 72 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 14% lên mức 1.071 tỷ đồng cùng với doanh thu tài chính giảm mạnh từ gần 22 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 5,8 tỷ đồng do chưa nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan.

Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về khoản lãi sau thuế đạt 315 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021. Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo HHV đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 2.515 tỷ đồng và lãi sau thuế 396 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và chỉ đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Phía doanh nghiệp cho biết, tình hình thị trường năm qua gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu; giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; công tác bù giá/điều chỉnh giá chưa được chủ đầu tư thực hiện kịp thời; lãi suất ngân hàng liên tục tăng và hết nguồn cung tín dụng. Công ty dù đã tiết giảm chi phí và đảm bảo tiến độ công việc, nhưng các yếu tố thị trường vẫn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Phần tăng đến từ hàng tồn kho tăng gấp 4,2 lần lên mức 160 tỷ đồng chủ yếu từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng 4,6 lần lên gần 149 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí trả trước dài hạn cũng tăng gần 60% lên mức 4.784 tỷ đồng do lãi vay chờ phân bổ tăng 59% lên 4.773 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tài sản cố định hữu hình chiếm 80% quy mô tài sản với 28.558 tỷ đồng đến từ các dự án BOT như hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, tuyến cao tốc Bắc Giang – TP Lạng Sơn.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ 5% so với đầu năm lên gần 27.250 tỷ đồng. Vay nợ thuê của doanh nghiệp ghi nhận đạt mức 20.653 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, HHV nợ Ngân hàng VietinBank 19.330 tỷ đồng, phần vay 10.169 tỷ đồng để thực hiện Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và 4.800 tỷ đồng nhằm thanh toán các chi phí để thực hiện Công trình BOT thuộc dự án Xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả – Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà.

HHV là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc – Nam bao gồm: Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG), Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, HoSE: HHV), Tổng công ty Xây dựng số 1 (HoSE: CC1), Tập đoàn Cienco4 (HoSE: C4G), Tổng công ty 36 (TCT36, HoSE: G36) có dòng tiền kinh doanh dương gần 365 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021 nhờ công tác thu hồi nợ tốt do khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm gần một nửa.

Dòng tiền trực tiếp từ các trạm thu phí BOT cũng đóng góp phần lớn vào doanh thu của HHV. Chứng khoán VnDirect kỳ vọng mảng thu phí BOT của HHV sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ hoạt động kinh tế phục hồi sau Covid-19 giúp tăng lưu lượng phương tiện qua trạm BOT và đóng góp từ dự án Trung Lương – Mỹ Thuận.

Cao tốc Bắc – Nam sẽ là cú hích lớn

Dù kết quả kinh doanh không như mong đợi nhưng trong quý cuối năm 2022, HHV đã công bố việc trúng gói thầu Xây lắp 1 (XL1) thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, ngày 26/12/2022, Ban Quản lý dự án 2 tổ chức lễ ký hợp đồng gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. Theo đó, Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả – HHV – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco.

Hồ sơ doanh nghiệp - Nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam đạt doanh thu kỷ lục
Gói thầu Xây lắp 1 có chiều dài tuyến 30km.

Gói thầu XL1 là gói thầu đầu tiên thuộc cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được khởi công. Gói thầu XL1 có giá trị khoảng 3.862 tỷ đồng, chiều dài tuyến 30km, với thời gian thực hiện hợp đồng 34 tháng kể từ ngày khởi công. Gói thầu bao gồm công trình đường bộ cấp I; 31 công trình cầu (4 cầu cấp II, 20 cầu cấp III, 7 cầu cấp IV).

Chứng khoán VnDirect cho rằng, cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ là cú hích lớn đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng hàng đầu.

Mới đây vào ngày 10/2, Liên danh CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả – CTCP Xây dựng Đèo Cả (HoSE: DCC) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn. Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Đây là công trình giao thông cấp III miền núi, có chiều dài khoảng 7,37km; điểm đầu tại Km221+680 (điểm kết thúc cao tốc Liên Khương – Đà Lạt, chân đèo Prenn) – điểm cuối tại Km229+049,74 thuộc Quốc lộ 20 (Nút giao vào bến xe Đà Lạt).

Đồng thời, đây cũng là tuyến đường đèo cửa ngõ kết nối Tp.Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, là đường giao thông huyết mạch đi về Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Theo phương án thiết kế kỹ thuật, nền đường được mở rộng từ 9m lên 15,5m, trong đó mặt đường rộng 14,5m, lề gia cố 2 bên mỗi bên rộng 0,5m.

Tuyến đường đi qua khu vực địa hình đồi núi cao, đường hẹp và nhiều đoạn tuyến quanh co, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông gây mất an toàn, lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Ngoài ra, một số dự án theo hình thức BOT của HHV như Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo với chi phí 13.690 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2024; Dự án Tân Phú – Bảo Lộc chi phí 17.200 tỷ đồng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án Hữu Nghị – Chi Lăng với chi phí 10.013 tỷ đồng đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh với 13.174 tỷ đồng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nêu điểm tích cực cho HHV khi có dòng tiền dồi dào từ hoạt động vận hành thu phí để triển khai loạt dự án lớn trên. HHV hiện đang quản lý, vận hành khoảng 15 trạm thu phí dịch vụ cùng 25km hầm đường bộ, hơn 265 km đường cao tốc và quốc lộ. Với 300 – 400 tỷ đồng mỗi năm từ các trạm thu phí, HHV có thể duy trì khả năng trả cổ tức tiền mặt và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay cả khi thị trường đi vào giai đoạn khó khăn.

Trần Thị Tú Anh

Link nguồn