Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đặc thù hoạt động của VDB là thời hạn cho vay các dự án dài (bình quân là 10 năm), trong khi đó nguồn vốn dùng để cho vay chủ yếu là nguồn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh với thời hạn huy động bình quân là 5 năm, dẫn đến rủi ro thanh khoản cho VDB trong trường hợp thị trường khó khăn, VDB không huy động kịp thời để trả nợ huy động các khoản đến hạn.
Mặc dù VDB là ngân hàng chính sách thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, trong hoạt động của VDB vẫn tiềm ẩn những rủi ro tương tự như các ngân hàng thương mại khác. Do đó, về lâu dài, việc nghiên cứu quy định, áp dụng các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn trong hoạt động đối với VDB là cần thiết đảm bảo khả thi, hiệu quả.
Dự thảo Thông tư này quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải thường xuyên duy trì, bao gồm: a) Giới hạn cấp tín dụng; b) Tỷ lệ dự trữ thanh khoản; c) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động.
Theo dự thảo, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản tối thiểu theo lộ trình sau: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019 là 2%; kể từ ngày 01/01/2020 là 5%.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động theo lộ trình sau: Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019 là 95%; kể từ ngày 01/01/2020 là 90%.
Theo Thanh Bút/Thương Gia