Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Những yếu tố ảnh hưởng thực hiện pháp luật về kinh doanh...

Những yếu tố ảnh hưởng thực hiện pháp luật về kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam

0

Ngày 03/4/2012, Nghị định số 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã được ban hành. Nghị định 24 ra đời đã khắc phục được những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bài viết phân tích những yếu tố tác động đến pháp luật và thực hiện pháp luật về kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Điều kiện kinh doanh vàng miếng 

Tại Việt Nam, vàng luôn là một tài sản tích trữ được ưa chuộng, thậm chí có những giai đoạn, vàng không chỉ là phương tiện tích trữ giá trị mà còn đóng vai trò là tiền tệ; giá vàng có lúc đã là một chỉ số ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế. Chính vì vậy, các hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam đã sớm được đưa vào quản lý. Cùng với các chính sách đổi mới nền kinh tế, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, các văn bản pháp lý quy định cụ thể về vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với vàng với tư cách là tiền tệ, hay các văn bản quy định các hoạt động huy động và sử dụng vốn bằng vàng, các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã lần lượt ra đời.

Về cơ bản, các văn bản điều tiết hoạt động kinh doanh vàng được ban hành bước đầu đã tạo lập được hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường vàng. Tuy nhiên, khuôn khổ này chỉ tỏ ra phù hợp với thị trường “không có sóng” của những năm 2015-2019, khi giá vàng trong nước tuy có tăng nhưng không có nhiều chênh lệch so với giá vàng thế giới và các hình thức đầu tư kinh doanh vàng chưa được phép thực hiện. Ngày 03/4/2012, Nghị định số 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã được ban hành. Nghị định 24 ra đời đã khắc phục được những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân (1).

Ngày 23/8/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường. Theo đó, NHNN giao Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC gia công vàng miếng SJC 99,99% trên nguyên tắc NHNN quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, nguồn vàng nguyên liệu, khối lượng loại vàng miếng SJC được sản xuất. Nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC là vàng nguyên liệu của NHNN, vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất trong từng thời kỳ, vàng miếng SJC do Công ty SJC đã sản xuất, gia công có ít nhất một trong các đặc điểm: không đủ trọng lượng, bị cắt dũa, mài mòn; bị trầy xước; bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của công ty SJC; bị biến dạng. Bên cạnh đó, Quyết định quy định cụ thể quy trình gia công vàng miếng SJC từ từng nguồn vàng nguyên liệu khác nhau. Đặc biệt là quy trình gia công lại vàng miếng SJC bị cắt dũa, mài mòn, trầy xước, biến dạng… Quy định này đã làm giảm được nỗi lo của tổ chức, cá nhân đang giữ vàng miếng SJC móp méo không được thu mua hoặc bị ép giá.

Thông tư số 12/2015/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Theo đó, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhằm mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng trong nước:

Đối với thị trường vàng miếng: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ: Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đối với việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng được NHNN xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN xem xét cấp giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

Các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép.

Đối với việc mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân

Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu (trừ trường hợp định cư).

Cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy tờ khác không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ (trừ các loại trang sức, mỹ nghệ đeo trên người).

Trong trường hợp định cư: cá nhân nước ngoài được phép định cư ở Việt Nam khi nhập cảnh và cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ. NHNN thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.

Như vậy, đối với thị trường vàng miếng, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng những điều kiện: có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Đặc điểm của điều kiện kinh doanh vàng miếng 

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh có tính chất độc quyền vàng miếng. Liên quan đến đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lãnh đạo NHNN khẳng định tiếp tục kiên định với những chính sách, kết quả đạt được trong thời gian qua.

Trên cơ sở tổng kết và đánh giá Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Chính phủ ban hành năm 2012 và những văn bản hướng dẫn có liên quan, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa đưa ra 8 kiến nghị. Đáng chú ý trong các kiến nghị này, VGTA đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Theo VGTA, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp. Bên cạnh đó, VGTA cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Đồng thời kiến nghị NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. VGTA cũng đề nghị Thống đốc NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Tuy nhiên, liên quan đến các kiến nghị của VGTA, đặc biệt liên quan đến đề xuất bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của NHNN là kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua và cụ thể chính là Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định 24 đi vào đời sống đem lại nhiều lợi ích ở cả trên vi mô và vĩ mô. Tại thị trường trong nước, giá vàng trong những năm qua không còn nhảy múa, không ảnh hưởng đến giá hàng hóa và tỉ giá. Khi giá hàng hóa và tỉ giá không biến động quá mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định cho kinh tế vĩ mô. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hóa bình thường như các loại hàng hóa khác nên cần được quản lý cẩn thận (2).

Thứ hai, chủ thể kinh doanh vàng miếng (tổ chức tín dụng và doanh nghiệp) phải được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Thứ ba, kinh doanh vàng miếng phụ thuộc chặt chẽ vào pháp luật, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng. Vàng miếng được giao dịch chủ yếu trên các sàn giao dịch tập trung hoặc thỏa thuận mua bán tại các thị trường phi tập trung. Việc quản lý thường phải dựa vào các chính sách do Chính phủ soạn thảo, việc thực hiện các chính sách đó phải có liên hệ với thị trường tài chính, có khả năng định hướng và điều tiết thị trường khi cần thiết, cụ thể ở đây là sự kết hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính. Nội dung chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ bao gồm: đối tượng chịu quản lý (các cá nhân, tổ chức tham gia kinh doanh vàng miếng); tiêu chuẩn định lượng và định tính để tham gia thị trường vàng miếng; phương thức giao dịch; tổ chức hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, việc giám sát và thực thi các chế tài đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các chủ thể đóng một vai trò quan trọng.

Thứ tư, việc xuất nhập khẩu vàng miếng phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Hoạt động này được quản lý chủ yếu thông qua việc ban hành các chính sách thuế đối với sản phẩm xuất nhập khẩu từ vàng, đồng thời quy định hạn ngạch xuất nhập khẩu cụ thể tại từng thời kỳ. Việc áp dụng mức thuế nào, loại thuế nào hay khối lượng vàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu phụ thuộc vào các chính sách điều hành của Nhà nước trong từng thời kỳ hoặc xu thế biến động của giá vàng trong nước để góp phần định hướng thị trường vàng theo hướng ổn định. Chính sách xuất nhập khẩu vàng thường linh hoạt theo từng quốc gia tại từng thời kỳ khác nhau. Chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng qua tài khoản sẽ có các nội dung: cách thức tổ chức và quy chế hoạt động sàn vàng miếng (bao gồm quy định về hạn mức rút vàng, quy  định về thời điểm xử lý tài sản ký quỹ, số lượng tài sản ký quỹ, phương pháp xác định tỉ lệ  ký quỹ, quy định ưu tiên khớp lệnh trước với các tổ chức tín dụng…); điều kiện kinh doanh; trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng qua tài khoản; giám sát và thực thi các chế tài đối với kinh doanh vàng miếng qua tài khoản.

Những yếu tố tác động đến pháp luật và thực hiện pháp luật về kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam

Hiệu lực điều hành chính sách pháp luật về tiền tệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước

Việc điều hành và xây dựng chính sách tiền tệ sẽ gặp phải áp lực rất lớn nếu tình trạng vàng hóa, đô la hóa ở mức cao do những khó khăn trong khâu thống kê các tổng lượng tiền, mục tiêu, cơ chế truyền tải các công cụ chính sách tiền tệ. Việc NHNN thành công trong chống vàng hóa sẽ giúp NHNN tạo lập được “cửa sổ” của thị trường tiền tệ. Đây là một kênh thông tin vô cùng quan trọng để NHNN nắm được diễn  biến của thị trường, qua đó có những phản ứng kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ. Thông qua diễn biến của giá vàng và tỉ giá, NHNN chủ động hơn trong đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ thông qua sử dụng công cụ can thiệp một cách kịp thời và đúng liều lượng, giúp ổn định thị trường ngoại hối. Việc siết chặt thị trường vàng đã giúp cho ổn định dòng ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh, loại trừ hiện tượng lấy USD nhập lậu vàng về bán hưởng chênh lệch. Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn thấp thì các biện pháp chống vàng hóa của NHNN là hoàn toàn phù hợp với nguồn lực sẵn có. Đồng thời duy trì lạm phát ở mức thấp, gia tăng niềm tin của người dân vào giá trị nội tệ là những điều kiện quan trọng để các biện pháp chống vàng hóa trở nên khả thi hơn.

Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng miếng

– Tạo lập thương hiệu SJC thành thương hiệu vàng quốc gia. Theo Nghị định 24, NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định và Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN trong đó quy định một cách chi tiết việc tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng: NHNN quyết định sản xuất vàng miếng trên cơ sở mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường; giao Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC gia công vàng miếng. Giao Công ty SJC gia công vàng miếng nhằm những mục đích sau: Công ty SJC có lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, thị phần rộng chiếm 90% thị trường vàng cả nước. Đồng thời, với uy tín và kinh nghiệm trong kinh doanh thì NHNN sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng của SJC như máy móc, nhân công và kỹ nghệ chuyên gia để gia công vàng miếng. NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng hàm lượng 99,99%, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của Công ty SJC (vàng miếng SJC). Khối lượng của loại vàng miếng SJC được sản xuất do NHNN quyết định trong từng thời kỳ” (3).

– Việc NHNN tạo lập SJC thành thương hiệu vàng quốc gia bao gồm những mặt tích cực:

(1) NHNN đã tạo được một cơ chế phễu trong việc tập trung nguồn lực tái đầu tư cho cho nền kinh tế. Cơ chế phễu được thể hiện qua SJC là thương hiệu vàng duy nhất trực thuộc NHNN quản lý nên lợi nhuận hình thành từ chênh lệch giá vàng nội địa và quốc tế sẽ hạch toán hoàn toàn về ngân sách Nhà nước. Đồng thời SJC là vàng miếng thuộc dự trữ ngoại hối nên khi có những biến động bất thường giá vàng ảnh hưởng tiêu cực ổn định vĩ mô thì NHNN có thể sử dụng vàng trong dự trữ ngoại hối để can thiệp kịp thời.

(2) Thống nhất 1 thương hiệu vàng giúp việc nhận diện dễ dàng, quyền lợi người dân được bảo đảm. Đồng thời, NHNN dễ dàng kiểm soát được chất lượng vàng miếng lưu hành.

Vai trò bình ổn thị trường được NHNN đảm nhiệm

Vai trò bình ổn thị trường được Chính phủ và NHNN thực hiện một cách chặt chẽ và xuyên suốt thông qua những chính sách cụ thể, trong đó hoạt động can thiệp thị trường vàng của NHNN sẽ xây dựng trên nền tảng là các mục tiêu chính sách tiền tệ tại những thời kỳ khác nhau, đồng thời thống nhất chặt chẽ với các mục tiêu kinh tế của Chính phủ. Có 2 hình thức được NHNN đưa ra là mua bán vàng trực tiếp và mua bán vàng qua đấu thầu. NHNN sẽ tiến hành bán vàng miếng thông qua 2 hình thức trên để tăng cung trên thị trường góp phần làm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Việc NHNN đứng ra bình ổn thị trường, bán vàng miếng bằng hình thức đấu thầu đã mang lại những kết quả tích cực như sau, giảm áp lực về cầu vàng thông qua việc bảo đảm nguồn cung vàng ổn định cho các ngân hàng thương mại hoàn thành tất toán trạng thái vàng thời điểm 30/6/2013 theo quy định. Đồng thời tạo được trạng thái ổn định cần thiết thị trường vàng nội địa, nhu cầu vàng người dân được bảo đảm, góp phần điều hòa cung cầu, không còn tình trạng đầu cơ, định hình được thị trường ổn định theo cả 2 phía cung và cầu vàng, thay đổi về cơ bản cấu trúc thị trường, giúp giá vàng nội địa có xu hướng biến động ổn định hơn nhiều so với giá vàng thế giới (4).

Kết luận

Tại Việt Nam, vàng miếng luôn là một tài sản tích trữ được ưa chuộng, thậm chí có những giai đoạn, vàng miếng không chỉ còn là phương tiện tích trữ giá trị mà còn đóng vai trò là tiền tệ; giá vàng miếng có lúc đã là một chỉ số ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế. Từ đó, các hoạt động kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam đã sớm được đưa vào quản lý.

Về cơ bản, các văn bản điều tiết hoạt động kinh doanh vàng miếng được ban hành bước đầu đã tạo lập được hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường vàng. Trước khi ban hành Nghị định 24, khuôn khổ pháp lý điều tiết hoạt động kinh doanh vàng miếng mới tỏ ra là không còn thích hợp, đặc biệt là trong việc giám sát và can thiệp thị trường. Sự yếu kém của khuôn khổ pháp lý điều tiết đã dẫn đến kết quả là từ năm 2009, thị trường vàng miếng đã rơi vào tình trạng bất ổn, các hoạt động xuất, nhập khẩu vàng miếng lậu và việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh vàng miếng là khó kiểm soát,… Ðiều đó đã có ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu phát triển kinh tế ổn định nói chung, các mục tiêu điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng. Chính vì vậy, bước sang năm 2010, bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã chú trọng hơn đến hoạt động quản lý, điều tiết hoạt động kinh doanh vàng, và ngày 03/4/2012, Nghị định số 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã được ban hành.

(1) Vũ Thúy Nga (2018), Quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, Đại học Ngoại thương, tr.23.
(2) Tô Thị Thanh Vân, Thực hiện quản lý Nhà nước về kinh doanh vàng miếng theo pháp luật Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, năm 2017 tại Đại học Kinh tế tài chính Hà Nội, tr.56.
(3) Vũ Thúy Nga (2018), tlđd, tr.58.
(4) Lê Thị Khánh, Cơ chế và kinh doanh vàng miếng và thực tiễn áp dụng tại Nghệ An; Luận văn Thạc sĩ năm 2015, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tr.34.

TS TRẦN VĂN DUY

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Link nguồn