Mưa bão liên tiếp, thiết bị ngập trong nước, thiếu dầu chạy máy hay phải chạy đôn đáo mua dầu giá cao để máy trộn hoạt động… tất cả những khó khăn này đều không trở thành nguyên nhân “cản bước” các công nhân, kỹ sư xây dựng trên công trường 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Ngày 10/9, tại tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT tổ chức phát động thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc: Mai Sơn – QL45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Thời gian thi đua được tính từ ngày 10/9 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nỗ lực, quyết tâm triển khai thi công các dự án với sản lượng dự kiến trong tháng 11/2022 gồm: 285 tỷ đồng (4% giá trị hợp đồng) cho dự án Mai Sơn – QL45; cơ bản hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại khoảng 123 tỷ đồng cho dự án Cam Lộ – La Sơn; gần 700 tỷ đồng (11,5%) cho dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và khoảng 500 tỷ đồng (8,5%) cho dự án Phan Thiết – Dầu Giây.
Đại diện Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, sau khi phát động phong trào thi đua 120 ngày đêm, các đơn vị đã huy động 8 trạm trộn bê tông nhựa, 1 trạm trộn bê tông xi măng, 7 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 12 dây chuyền rải cấp phối đá dăm, 19 thiết bị san ủi, 36 lu rung, 112 ô tô vận chuyển, kèm theo nhân lực đồng bộ, tổ chức thi công tăng ca để đẩy nhanh tiến độ.
Tính đến ngày 18/10, sản lượng trung bình 4 dự án hoàn thành năm 2022 đạt 70,1% so giá trị hợp đồng (so với tháng trước đạt thêm 2,6%), tuy nhiên vẫn chậm khoảng 4% so với kế hoạch.
Cụ thể, dự án thành phần Mai Sơn – QL45 (63,4 km) có sản lượng thực hiện đạt 68,4% giá trị hợp đồng, chậm 1,4%. Tại dự án này, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 80 ngày mưa.
Cùng có số lượng 59 ngày mưa tính từ đầu năm đến nay, hai dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây cũng chưa đáp ứng sản lượng kỳ vọng.
Tính đến ngày 18/10, sản lượng thi công dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đạt 47,74% giá trị hợp đồng, chậm 5,3% so với kế hoạch điều chỉnh. Đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, sản lượng đạt 53% giá trị hợp đồng, chậm 1,33% so với kế hoạch điều chỉnh.
Khắc phục mưa bão, giữ nhịp độ thi công
Bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 5, tại dự án Cam Lộ – La Sơn, liên tục từ ngày 14 – 18/10, lán trại và trạm trộn bê tông nhựa của nhà thầu chìm trong biển nước.
Ông Bùi Tư Thế, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, chỉ huy trưởng nhà thầu Vạn Cường tại gói thầu XL8 cho biết: Đến sáng ngày 20/10, trạm trộn mới có thể hoạt động trở lại để kích hoạt lại các mũi thi công. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ trong khoảng 7 – 10 ngày nữa, toàn bộ khối lượng nhà thầu Vạn Cường phụ trách sẽ cán đích.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin: Hầu hết các nhà thầu đồng loạt thi công sau những ngày mưa lũ vừa qua. Thời tiết bất lợi trong những ngày qua gây khó khăn không nhỏ, tuy nhiên Ban QLDA cùng các nhà thầu rà từng phương án để đảm bảo nhịp độ thi công phù hợp, không gián đoạn. Đến nay, tiến độ dự án đạt gần 95%.
Hiện, hầu hết các gói thầu đã cơ bản hoàn thành công tác tuyến chính, thảm bê tông nhựa mặt đường. Các phương tiện có thể lưu thông dọc toàn tuyến dự án (ngoài một số cục bộ 2 bên đầu cầu, xử lý nền đất yếu…). Hạng mục an toàn giao thông được tăng cường với các mũi thi công rào chắn, hộ lan, dải phân cách cứng, sơn kẻ vạch đường… hình hài quy mô, tầm vóc tuyến cao tốc nối Quảng Trị với Thừa Thiên-Huế.
Sẵn sàng mua dầu giá cao để chạy máy tăng tốc
Tại khu vực phía nam, tranh thủ khoảng thời gian thời tiết thuận lợi, các nhà thầu cũng đang tích cực thi công không kể ngày đêm để thông xe kỹ thuật hai dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đúng kế hoạch. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn đang thường trực nỗi lo thiếu dầu chạy máy.
Nhà thầu Phương Thành cho biết, trung bình, mỗi ngày, riêng nhà thầu Phương Thành phải sử dụng khoảng 13.000 lít dầu để khoan, nổ mìn đào đá…
“Trên công trường có tới 4 trạm nghiền sàng, 2 trạm bê tông nhựa, 3 trạm bê tông xi măng phải chạy dầu để tăng tốc thi công. Dù đơn vị đã chủ động tìm kiếm nguồn dầu với giá cao hơn giá công bố từ 3.000 – 5.000 đồng nhưng nguồn cung vẫn rất hạn chế nên thiết bị, máy móc chưa thể hoạt động tối đa công suất”, đại diện Phương Thành chia sẻ.
Kiên quyết loại bỏ nhà thầu “chây ỳ”
Tại dự án thành phần Mai Sơn – QL45, đại diện ban điều hành cho biết, sau lễ phát động, đa số các nhà thầu tại gói thầu XL10, XL13 đã tích cực huy động nguồn lực, tăng ca làm việc để tăng tốc tiến độ.
Tuy nhiên, một số nhà thầu vẫn chưa có động thái chuyển biến về sản lượng thi công dù ban QLDA liên tục đôn đốc, thậm chí có văn bản phê bình, thông báo vi phạm tiến độ.
Đại diện Ban điều hành dự án Mai Sơn – QL45 cho biết, nhận thấy sự ì ạch của các nhà thầu sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022 của dự án, Ban điều hành đã tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT có văn bản phê bình các nhà thầu: Công ty CP Tập đoàn ĐTXD Cường Thịnh Thi; Công ty CP Tân Thành; Đồng thời, cảnh cáo Tổng công ty ĐTXD Hoàng Long và Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung.
“Tình hình chuyển biến của nhà thầu đang được đánh giá trong tháng 10/2022. Trường hợp tiến độ thi công tiếp tục không đáp ứng yêu cầu, Ban QLDA Thăng Long sẽ yêu cầu Vinaconex chấm dứt hợp đồng nhà thầu phụ đối với Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung và báo cáo Bộ GTVT”, đại diện ban điều hành dự án nói.
Thông tin thêm về tình hình thực hiện dự án, Ban điều hành cho biết, bên cạnh các nhà thầu chưa đảm bảo năng lực tổ chức thi công, các nhà thầu còn lại vẫn đang nỗ lực bám công địa, đảm bảo kế hoạch sản lượng.
Tương tự, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết vẫn còn một số nhà thầu chưa quyết liệt trong việc huy động nguồn lực để tổ chức triển khai, dẫn đến công tác thi công còn manh mún, có nguy cơ rất lớn không hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.
Đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho biết, mới đây, tại gói thầu XL03, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) đã đề xuất bổ sung một đơn vị thầu phụ là Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Quản Trung vào san sẻ khối lượng công việc do Cienco8 đảm nhận. Bởi, thời điểm đầu tháng 10/2022, tổng sản lượng thi công của Cienco8 chỉ đạt khoảng 40%, không đáp ứng yêu cầu
Thực tế, trước tình trạng tài chính huy động thi công tại công trường dự án không đảm bảo, tại gói thầu liên danh với Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Cienco8 đã liên tục bị Ban QLDA 7 đưa vào diện theo dõi đặc biệt.
“Máy móc thiết bị Cienco8 huy động trên hiện trường hiện đủ để đáp ứng các mũi thi công. Thế nhưng, những máy móc này thường cũ, hay hư hỏng, trục trặc, năng suất thi công không cao”, Ban điều hành cho biết.
Được biết, Bộ GTVT đã có “tối hậu thư” tới nhà thầu này và yêu cầu: Nếu đến ngày 30/10 tiếp tục không hoàn thành, ban QLDA thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh theo đúng quy định, đồng thời báo cáo Bộ GTVT giải pháp thực hiện đối với các khối lượng còn lại, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án.
Nhà thầu làm tốt sẽ ưu tiên tham gia cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 Với tinh thần của phong trào thi đua “120 ngày đêm”, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 là tập trung thực hiện “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không”, Bộ GTVT đặt ra yêu cầu với các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu là quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành thông xe toàn tuyến 4 dự án vào cuối năm nay. Cụ thể, yêu cầu các Ban QLDA kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án, chỉ đạo các nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, bù lại phần khối lượng đã bị chậm và ký cam kết về tiến độ, tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo các mốc tiến độ của từng hạng mục. Kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: Cắt chuyển khối lượng; bổ sung nhà thầu phụ; xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3 – 5 năm đối với các nhà thầu vi phạm. Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) khẳng định, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường, kịp thời tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cục đang tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị một số cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhà thầu thi công có đủ nguồn lực thi công, đưa dự án cao tốc Bắc – Nam về đích đúng hạn, trước mắt là 4 dự án thành phần phải về đích trong năm 2022. “Các đơn vị hoàn thành tiến độ sẽ được xem xét ưu tiên tham gia thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc giai đoạn 2”, đại diện đơn vị này chia sẻ. |
Phan Trang