Việc hình thành và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn
Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 1.686 ha, trong đó có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoạt động ổn định được phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2 cụm công nghiệp tại huyện Phú Xuyên và 1 cụm công nghiệp tại huyện Phúc Thọ được khởi công. Hiện nay, toàn Thành phố có 13 cụm công nghiệp đã được khởi công và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật…
Các cụm công nghiệp đang thu hút gần 4.200 tổ chức, doanh nghiệp, hộ cá thể vào sản xuất – kinh doanh. Các cơ sở phát triển tương đối ổn định, có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động nông thôn.
Một số ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại các cụm công nghiệp bao gồm: Sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất (gạch men, gạch blốc, gốm sứ…); sản xuất và chế biến thực phẩm (bia, rượu, nước giải khát, mì ăn liền, bún, bánh kẹo, thức ăn gia súc…); sản xuất gia công cơ khí (các sản phẩm cơ khí, cán kéo thép, cơ khí chế tạo…); sản xuất hàng tiêu dùng, hoá chất và vật tư nông nghiệp (may mặc, giầy da, kính xây dựng, sơ chế cao su, nhựa tái sinh…); chế biến lâm sản (mộc gia dụng, gỗ ván ép, sản xuất hàng mây tre đan….); sản xuất đồ điện, thiết bị điện. Trong đó, nhiều nhất là sản xuất gia công các sản phẩm cơ, kim khí (chiếm 20,86%), chế biến thực phẩm (chiếm 14,53%),…
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, tốc độ phát triển kinh tế nhanh kéo theo nhu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh ngày một lớn. Việc đầu tư các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn huyện sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng, tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn huyện nói riêng, khu vực lân cận nói chung.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập mới cụm công nghiệp
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thêm 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 753 ha, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động…
Thành phố cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư thành lập mới cụm công nghiệp để đến năm 2025 Hà Nội có 159 công nghiệp theo quy hoạch. Hiện Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định thành lập mới đối với 21 cụm công nghiệp theo Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công các dự án cụm công nghiệp làng nghề đã được phê duyệt thành lập.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.
Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các cụm công nghiệp mới, loại bỏ các cụm công nghiệp không còn phù hợp phát triển, cải tạo, hoàn thiện những cụm công nghiệp đang hoạt động. Các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án.
Diệu Anh