Cuộc chiến Nga-Ukraine năm 2022 không chỉ là một sự kiện địa chính trị lớn mà còn là một bước ngoặt địa kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là biện pháp cứng rắn nhất từng được áp đặt đối với một quốc gia có quy mô và sức mạnh như Nga. Trong thời gian chưa đầy 3 tuần, Mỹ và các đồng minh đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, chặn xuất khẩu các linh kiện công nghệ cao cùng lúc với các đồng minh châu Á, thu giữ tài sản ở nước ngoài của hàng trăm nhà tài phiệt giàu có, các hiệp ước thương mại với Moscow bị thu hồi, cấm các hãng hàng không Nga đến không phận Bắc Đại Tây Dương.
Đặc biệt, Mỹ và Anh đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Ngoài ra, phương Tây còn đóng băng 403 tỷ USD trong tổng số 630 tỷ USD tài sản nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga. Quy mô của làn sóng cấm vận đã vượt ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia kinh tế: nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới gần như đã bị tách khỏi hệ thống toàn cầu hóa của thế kỷ 21.
Những biện pháp lịch sử này sẽ diễn ra như thế nào? Các biện pháp trừng phạt kinh tế hiếm khi thành công trong việc đạt được mục tiêu của chúng. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây thường cho rằng thất bại xuất phát từ những điểm yếu trong thiết kế các biện pháp trừng phạt. Thật vậy, các biện pháp trừng phạt có thể bị cản trở bởi những kẽ hở, thiếu ý chí chính trị để thực hiện chúng, hoặc không đủ thỏa thuận ngoại giao liên quan đến việc thực thi. Giả định ngầm là các biện pháp trừng phạt mạnh hơn có cơ hội thành công cao hơn.
Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn kinh tế của phương Tây đối với Nga lại khác. Đây là một chiến dịch chưa từng có tiền lệ nhằm cô lập nền kinh tế G-20 với ngành hydrocarbon lớn, một tổ hợp công nghiệp-quân sự phức tạp và một rổ hàng hóa xuất khẩu đa dạng. Kết quả là, các biện pháp trừng phạt của phương Tây phải đối mặt với một dạng vấn đề khác.
Các biện pháp trừng phạt, trong trường hợp này, có thể thất bại không phải vì sự yếu kém của chúng mà vì quy mô to lớn và tác động khó lường của chúng. Vốn đã quen với việc sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại các nước nhỏ hơn với phí tổn thấp, các nhà hoạch định chính sách phương Tây chỉ có ít kinh nghiệm và hiểu biết về tác động của các biện pháp thực sự nghiêm khắc đối với một nền kinh tế lớn, kết nối toàn cầu. Những yếu kém hiện có trong cấu trúc kinh tế và tài chính của thế giới có nghĩa là các biện pháp trừng phạt như vậy có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính trị và vật chất.
Những cú sốc
Có thể thấy được mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga từ tác động của chúng trên toàn thế giới. Cú sốc trước mắt đối với nền kinh tế Nga là rõ ràng nhất. Các nhà kinh tế dự đoán GDP của Nga sẽ giảm ít nhất 9-15% trong năm nay, nhưng thiệt hại có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Đồng rúp đã giảm hơn 1/3 kể từ đầu tháng 1. Một cuộc di cư của các chuyên gia Nga có tay nghề cao đang được tiến hành, trong khi khả năng nhập khẩu hàng tiêu dùng và công nghệ có giá trị đã giảm đáng kể. Như nhà khoa học chính trị người Nga Ilya Matveev đã nói: “30 năm phát triển kinh tế đã bị ném vào thùng rác.”
Phân nhánh của các lệnh trừng phạt của phương Tây vượt xa những ảnh hưởng này đối với chính Nga. Có ít nhất 4 loại tác động khác nhau: tác động lan tỏa sang các quốc gia và thị trường lân cận; tác động cấp số nhân thông qua sự thoái vốn của khu vực tư nhân; tác động leo thang dưới hình thức đáp trả của Nga; và những ảnh hưởng mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hiệu ứng lan tỏa đã gây ra xáo trộn trên thị trường hàng hóa quốc tế. Một sự hoảng loạn lớn đã bùng lên giữa các doanh nghiệp sau khi gói trừng phạt thứ hai của phương Tây – bao gồm loại Nga giảm SWIFT và đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga được công bố vào ngày 26/2. Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì, đồng, niken, nhôm, phân bón và vàng đã tăng vọt.
Do chiến tranh đã đóng cửa các cảng của Ukraine và các công ty quốc tế đang tránh xa xuất khẩu hàng hóa của Nga, nên tình trạng thiếu ngũ cốc và kim loại hiện đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù giá dầu đã giảm kể từ đó với dự đoán sản lượng bổ sung từ các nhà sản xuất Vùng Vịnh, nhưng cú sốc giá đối với năng lượng và hàng hóa trên diện rộng sẽ đẩy lạm phát toàn cầu lên cao hơn. Các nước châu Phi và châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và năng lượng đang gặp khó khăn.
Các nền kinh tế Trung Á cũng vướng vào cú sốc trừng phạt. Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Nga thông qua thương mại và di cư lao động ra nước ngoài. Sự sụp đổ của đồng rúp đã gây ra tình trạng kiệt quệ tài chính nghiêm trọng trong khu vực.
Kazakhstan đã áp đặt các biện pháp kiểm soát hối đoái sau khi đồng tenge của nước này suy giảm 20% sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, đồng somoni của Tajikistan cũng đã trải qua một đợt giảm giá mạnh tương tự. Viễn cảnh suy thoái sắp xảy ra của Nga sẽ buộc hàng triệu công nhân nhập cư Trung Á phải tìm việc làm ở nơi khác và làm cạn kiệt dòng kiều hối về nước của họ.
Tác động của các biện pháp trừng phạt vượt ra ngoài các quyết định của chính phủ G-7 và EU. Các gói trừng phạt chính thức đã có tác động thúc đẩy các doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Nga. Gần như chỉ trong một đêm, hàng loạt công ty và tập đoàn phương Tây đã tháo chạy khỏi Nga, tác động bao chùm trong các lĩnh vực như công nghệ, dầu khí, hàng không vũ trụ, xe hơi, sản xuất, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống, kế toán và tài chính và vận tải.
Đáng chú ý là những cuộc tháo chạy này trong nhiều trường hợp không bị chế tài bắt buộc. Thay vào đó, các công ty phương Tây bị thúc đẩy bởi sự lên án về đạo đức, những lo ngại về danh tiếng và sự hoảng loạn hoàn toàn. Kết quả là, làn sóng doanh nghiệp tháo chạy đang giáng một đòn đau đối với nền kinh tế Nga.
Chính phủ Nga đã đáp trả các lệnh trừng phạt theo nhiều cách. Moscow đã thực hiện các chính sách ổn định khẩn cấp để bảo vệ thu nhập ngoại hối và củng cố đồng rúp. Vốn đầu tư nước ngoài đang bị phong tỏa trong nước. Trong khi thị trường chứng khoán vẫn đóng cửa, tài sản của nhiều công ty phương Tây đã rời đi có thể sớm bị tịch thu. Bộ Phát triển Kinh tế đã chuẩn bị một đạo luật cho phép nhà nước Nga tiếp quản các doanh nghiệp trong 6 tháng trong trường hợp thanh lý hoặc phá sản “vô căn cứ”.
Khả năng quốc hữu hóa nguồn vốn từ phương Tây không phải là tác động leo thang duy nhất của các lệnh trừng phạt. Vào ngày 9/3, Tổng thống Putin đã ký một lệnh hạn chế xuất khẩu hàng hóa của Nga. Mặc dù toàn bộ các mặt hàng bị cấm theo quy định vẫn chưa rõ ràng, nhưng mối đe dọa của việc sử dụng nó sẽ tiếp tục đeo bám thương mại quốc tế.
Những hạn chế của Nga đối với xuất khẩu phân bón được áp dụng vào đầu tháng 2 đã gây áp lực lên ngành sản xuất lương thực toàn cầu. Nga có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng như niken, paladi và ngọc bích công nghiệp. Đây là những nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất pin điện, bộ chuyển đổi xúc tác, điện thoại, ổ bi, ống đèn và vi mạch. Trong hệ thống lắp ráp toàn cầu hóa, ngay cả những thay đổi nhỏ về giá nguyên vật liệu cũng có thể làm tăng ồ ạt chi phí sản xuất mà người tiêu dùng là bên phải gánh chịu thiệt hại. Lệnh cấm vận của Nga hoặc việc cắt giảm xuất khẩu paladi, niken hoặc ngọc bích sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô và chất bán dẫn, một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 3,4 nghìn tỷ USD.
Nếu cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga tiếp tục kéo dài đến năm 2022 với cường độ này, rất có thể thế giới sẽ rơi vào một cuộc suy thoái do các lệnh trừng phạt gây ra.
Xử lý rủi ro
Sự kết hợp của tác động lan tỏa, tác động cấp số nhân tiêu cực và tác động leo thang có nghĩa là các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ có tác động đến nền kinh tế thế giới giống như một số chế độ trừng phạt trước đây trong lịch sử. Tại sao biến động lớn này không được dự đoán trước? Một lý do là trong vài thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường triển khai các biện pháp trừng phạt chống lại các nền kinh tế có quy mô đủ khiêm tốn để có thể kiểm soát được bất kỳ tác động bất lợi đáng kể nào.
Mức độ hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Triều Tiên, Syria, Venezuela, Myanmar và Belarus tương đối khiêm tốn và mang tính một chiều. Chỉ có việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran là cần sự thận trọng đặc biệt để tránh làm đảo lộn thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, nhìn chung, giả định cho rằng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt hầu như không tốn kém về mặt kinh tế đối với Mỹ. Điều này có nghĩa là những hậu quả kinh tế vĩ mô và tài chính vĩ mô của các lệnh trừng phạt toàn cầu vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Để nắm bắt rõ hơn các lựa chọn cần thực hiện trong các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, cần xem xét việc sử dụng các biện pháp trừng phạt trong những năm 1930, khi các nền dân chủ cố gắng sử dụng chúng để ngăn chặn sự xâm lược của các nền kinh tế chuyên quyền quy mô lớn như Phát xít Ý, đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã. Bối cảnh quan trọng của những nỗ lực này là cuộc Đại suy thoái, vốn đã làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây và làm bùng phát chủ nghĩa dân tộc trên khắp thế giới. Khi nhà độc tài người Ý Benito Mussolini xâm lược Ethiopia vào tháng 10 năm 1935, Hội Quốc Liên thực hiện một lệnh trừng phạt quốc tế do 52 quốc gia thực thi.
Nhưng các lệnh trừng phạt của Hội Quốc Liên đi kèm với cái giá thực sự. Việc ngăn chặn kinh tế của Ý đã hạn chế khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Đức. Là động cơ chính thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu cho các nền kinh tế châu Âu, Đức là một nền kinh tế quá lớn để bị cô lập nếu không muốn có tổn thất thương mại nghiêm trọng đối với toàn bộ châu Âu.
Trong bối cảnh sự phục hồi mong manh sau cuộc Đại suy thoái, việc áp đặt đồng thời các lệnh trừng phạt đối với cả Ý và Đức – khi đó là các nền kinh tế lớn thứ 4 và thứ 7 trên thế giới – là quá tốn kém đối với hầu hết các nền dân chủ. Adolf Hitler đã tận dụng lỗ hổng này và sự tập trung của quốc tế vào tình hình tại Ethiopia bằng cách chuyển quân Đức vào vùng đất phi quân sự Rhineland vào tháng 3 năm 1936, đặt tiền đề cho chiến tranh.
Các quan chức Đức nhận thức được sức mạnh thương mại của họ, thứ mà họ sử dụng để điều động các nền kinh tế Trung Âu và Balkan vào quỹ đạo chính trị của mình. Kết quả là sự ra đời của một khối kinh tế chư hầu dựa vào lục địa, dựa vào sông ngòi mà thương mại với Đức khó bị các quốc gia phương Tây ngăn chặn bằng các biện pháp trừng phạt hoặc phong tỏa hải quân.
Các tình huống khó xử trong thập niên 1930 cho thấy rằng cộng đồng quốc tế cần phải mạnh tay nếu muốn lệnh trừng phạt phát huy tác dụng. Nhưng nó cũng dẫn đến một thực tế rằng khả năng tồn tại của các lệnh trừng phạt và cơ hội thành công của chúng luôn phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu. Trong điều kiện tài chính và thương mại không ổn định, cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu cạnh tranh và chuẩn bị kỹ lưỡng cho các loại tác động không mong muốn. Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nền kinh tế rất lớn sẽ đơn giản là không thể thực hiện được nếu không có các chính sách đền bù hỗ trợ các nền kinh tế của các nước trừng phạt và phần còn lại của thế giới.
Chính quyền Biden nhận thức được vấn đề này, nhưng các hành động của họ cho đến nay vẫn chưa tương xứng với quy mô. Mỹ đã cố gắng giảm căng thẳng trên thị trường dầu bằng cách hòa giải một phần với Iran và Venezuela. Để chống lại tác động lan tỏa của các lệnh trừng phạt đối với một công ty dầu khí hàng đầu hiện nay có thể yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hai nhà máy dầu khí nhỏ hơn.
Nhưng chính sách ngoại giao dầu mỏ này không đủ để đáp ứng thách thức do các lệnh trừng phạt Nga đặt ra, những tác động của chúng đang làm trầm trọng thêm những khủng hoảng kinh tế đã tồn tại từ trước. Các vấn đề về chuỗi cung ứng và tắc nghẽn thời kỳ COVID-19 trong mạng lưới vận tải và sản xuất toàn cầu đã xảy ra trước cuộc chiến ở Ukraine. Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt chưa từng có trong những điều kiện vốn đã khó khăn này lại càng khiến tình hình vốn đã khó khăn trở nên tồi tệ hơn.
Vấn đề đối phó với hậu quả của chiến tranh kinh tế vẫn còn lớn hơn ở châu Âu. Điều này không chỉ bởi vì Liên minh châu Âu có liên kết thương mại và năng lượng mạnh mẽ hơn nhiều với Nga. Đó cũng là kết quả của nền kinh tế chính trị của khu vực đồng tiền chung châu Âu khi nó đã hình thành trong hai thập kỷ qua: ngoại trừ Pháp, hầu hết các nền kinh tế của khu vực này đều đi theo chiến lược tăng trưởng dựa nhiều vào thương mại và tập trung vào xuất khẩu.
Mô hình kinh tế này đòi hỏi nhu cầu xuất khẩu của nước ngoài trong khi kìm hãm tiền lương và nhu cầu trong nước. Đây là một cấu trúc không phù hợp với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt giảm thương mại kéo dài. Tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn EU và mở rộng kiểm soát công trong lĩnh vực năng lượng, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố, là một cách để hấp thụ cú sốc này. Nhưng cũng cần có các biện pháp nâng cao thu nhập đối với hàng tiêu dùng và các biện pháp can thiệp giảm giá trên thị trường hàng hóa của nhà sản xuất, từ quản lý dự trữ chiến lược đến thuế lợi nhuận vượt quá đang được áp dụng ở Tây Ban Nha và Ý.
Sau đó là những hậu quả của các lệnh trừng phạt gây ra cho nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là ở “miền Nam toàn cầu”. Giải quyết những vấn đề này sẽ đặt ra một thách thức kinh tế vĩ mô lớn. Do đó, G-7, Liên minh châu Âu và các đối tác châu Á của Mỹ bắt buộc phải triển khai các hành động phối hợp và mạnh mẽ để ổn định thị trường toàn cầu.
Điều này có thể được thực hiện thông qua đầu tư có mục tiêu để giải tỏa các nút thắt về nguồn cung, các khoản viện trợ và cho vay quốc tế hào phóng cho các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp lương thực và năng lượng đầy đủ, đồng thời tài trợ quy mô lớn cho việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Nó cũng sẽ phải liên quan đến các khoản trợ cấp, thậm chí có thể là cả việc kiểm soát khẩu phần và giá cả, để bảo vệ những người nghèo nhất khỏi những tác động tàn phá của việc tăng giá thực phẩm, năng lượng và hàng hóa.
Sự can thiệp của nhà nước như vậy là cái giá phải trả cho việc tham gia vào chiến tranh kinh tế. Không thể theo đuổi việc gây thiệt hại vật chất ở quy mô này đối với Nga nếu không có sự thay đổi hoạch định chính sách quốc tế nhằm mở rộng hỗ trợ kinh tế cho những người bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Trừ khi cuộc sống vật chất của các hộ gia đình được bảo vệ, sự ủng hộ của chính trị đối với các biện pháp trừng phạt sẽ sụp đổ theo thời gian.
Những kẻ can thiệp mới
Các nhà hoạch định chính sách phương Tây do đó phải đối mặt với một quyết định nghiêm túc. Họ phải quyết định xem có nên duy trì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga ở mức độ hiện tại của họ hay áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Putin. Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt là gây áp lực tối đa lên Nga với mức độ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế của họ – và do đó có thể kiểm soát được rủi ro phản ứng chính trị trong nước – thì mức độ áp lực hiện tại có thể là mức khả thi nhất về mặt chính trị hiện nay.
Hiện tại, chỉ cần duy trì các biện pháp trừng phạt hiện có sẽ cần có các chính sách đền bù tích cực. Đặc biệt là đối với châu Âu, các chính sách kinh tế tự do và phân mảnh tài khóa sẽ không bền vững nếu chiến tranh kinh tế kéo dài. Nhưng nếu phương Tây quyết định tăng cường sức ép kinh tế đối với Nga hơn nữa, thì các can thiệp kinh tế sâu rộng sẽ trở thành một điều cần thiết tuyệt đối.
Các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn sẽ gây thêm thiệt hại, không chỉ cho bản thân những người trừng phạt mà còn cho nền kinh tế thế giới nói chung. Cho dù quyết tâm của phương Tây mạnh mẽ và chính đáng đến đâu, các nhà hoạch định chính sách phải chấp nhận thực tế cơ bản rằng một cuộc tấn công kinh tế tổng lực sẽ phải có những nguồn lực mới đáng kể vào nền kinh tế thế giới.
Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra một loạt các cú sốc vật chất đòi hỏi những nỗ lực ổn định sâu rộng. Và ngay cả với các biện pháp giải cứu như vậy, thiệt hại kinh tế có thể rất nghiêm trọng, và rủi ro leo thang chiến lược sẽ vẫn ở mức cao. Vì tất cả những lý do này, điều quan trọng là theo đuổi các con đường ngoại giao và kinh tế có thể chấm dứt xung đột.
Dù kết quả của cuộc chiến là gì, cuộc tấn công kinh tế chống lại Nga đã phơi bày một thực tế mới quan trọng: kỷ nguyên của các biện pháp trừng phạt không tốn kém, không có rủi ro và có thể đoán trước đã thực sự kết thúc.
Bài viết thể hiện quan điểm của Phó giáo sư Nicholas Mulder từ Đại học Cornell (Mỹ) và là tác giả cuốn “Vũ khí kinh tế: Sự trỗi dậy của các biện pháp trừng phạt như một công cụ của Chiến tranh hiện đại” (The Economic Weapon: The Rise of Sanctions as a Tool of Modern War).
Huy Vũ/ Theo Foreign Affairs
Link nguồn: https://ngaynay.vn/phi-ton-cho-cuoc-chien-tranh-kinh-te-post119004.html