Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, ngày 1/7, số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng 10-20 lần, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nhưng sau đó cơ bản đã thông suốt.
95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số
Ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng thông tin, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả,… Con số 16,6 triệu này tương ứng số tài khoản ngành ngân hàng mở cho khách hàng trong 1 năm hoạt động hiệu quả nhất.
Ông Dũng chia sẻ thêm, trong ngày đầu Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực (1/7/2024), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10 – 20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, sang ngày 2 – 3/7 thì các giao dịch cơ bản được thông suốt.
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.
Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn,bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Để hạn chế, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng trên không gian mạng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
NHNN đã xây dựng và liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động an ninh, an toàn thông tin mạng cũng như thanh toán, hiện NHNN đang tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai đồng bộ cùng Luật Các TCTD, Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt…
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, thời gian tới, nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính-ngân hàng, NHNN tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.
Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp các đơn vị chức năng trong việc phòng ngừa và điều tra, xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng…
Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thể hiện, ứng dụng công nghệ 4.0 và phương tiện truyền thông hiện đại; hướng đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, giới trẻ, học sinh, sinh viên….
Nguyễn Thị Thu Hương