Báo cáo thu nhập từ 4 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường Mỹ trong tuần tới có thể giúp cổ phiếu Phố Wall phục hồi mạnh mẽ trở lại trong tuần này.
Các công ty Apple, Microsoft, Alphabet, công ty mẹ của Google và Amazon chiếm tổng cộng 20% trong chỉ số S&P 500 và hơn một phần ba của chỉ số Nasdaq Composite.
Các nhà đầu tư coi những gã khổng lồ tăng trưởng là đại diện cho các công ty Mỹ trong một năm lạm phát tăng vọt, khiến Cục Dự trữ Liên bang nhanh chóng ban hành một loạt các đợt tăng lãi suất quy mô lớn. Các động thái của ngân hàng trung ương Mỹ gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và làm dấy lên lo ngại một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Chỉ số S&P 500 tăng gần 5% so với mức thấp nhất đóng cửa ngày 12/10/2022 sau khi công bố mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 6. Dù đã phục hồi, nhưng chỉ số này đã giảm 21% kể từ đầu năm và đang trên đà giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv IBES, lợi nhuận quý III ước tính của phần lớn các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức hoạt động yếu nhất trong 2 năm. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng thu nhập cho năm 2023 đã giảm xuống 7,2% từ 7,8% vào ngày 1/10.
Các báo cáo vào tuần tới từ 4 gã khổng lồ công nghệ trên sẽ cho thấy liệu các công ty hàng đầu có hoạt động vững chắc bất chấp những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế hay không.
Ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành tại Horizon Investment Services cho biết, các công ty này chiếm tỷ trọng quá lớn, nên “nếu cổ phiếu của họ không tăng trưởng tốt, các chỉ số sẽ tiếp tục đi xuống”.
Microsoft và Alphabet sẽ đưa ra báo cáo vào ngày 25/10, trong khi Amazon và Apple dự kiến báo cáo vào ngày 27/10.
Trong 4 gã khổng lồ công nghệ, Apple hoạt động tốt hơn trên thị trường chứng khoán trong năm nay. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone, chiếm tỷ trọng 7% trong chỉ số S&P 500, giảm khoảng 17% vào năm 2022; Microsoft và Amazon đều giảm giá khoảng 28%, Alphabet giảm 30%.
Bất chấp những khoản lỗ lớn đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu của các hãng này vì sức mạnh tài chính và lợi thế cạnh tranh của họ. Về mặt lý thuyết, đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy lợi nhuận ngay cả trong thời điểm kinh tế không chắc chắn.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao đang gây áp lực lên việc định giá và làm phức tạp bức tranh đối với các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong 14 năm trong tuần trước.
Một chủ đề chính trong tuần tới sẽ là việc phân chia các hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn sang Trung Quốc. Các nhà phân tích sẽ đi sâu vào những tác động ngắn hạn và dài hạn đối với các công ty riêng lẻ nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
S&P Global Ratings cho biết tác động từ các quy định liên quan đến chất bán dẫn tùy thuộc vào việc chúng được thực thi chặt chẽ như thế nào.
Cơ quan xếp hạng cảnh báo rằng các quy định này có thể tác động đến các lĩnh vực bên ngoài thế giới bán dẫn như ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng và năng lượng.
Vụ đặt cược vào năng lượng tái tạo của các công ty dầu khí lớn nhất thị trường (Big Oil) cũng sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này. Thay vì bị phá hủy bởi quá trình chuyển đổi năng lượng, Big Oil hiện đang ở vị thế rất mạnh để tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư năng lượng sạch của họ.
Năng lượng tái tạo có thể tăng lên chiếm 60% sản lượng điện ở Tây Âu và 35% ở Hoa Kỳ vào năm 2030, theo S&P Global Commodity Insights.
Các công ty dầu khí BP, Shell, Exxon Mobil, Total Energies và Chevron đã đầu tư vào kinh doanh carbon thấp, xây dựng các trang trại điện gió, sản xuất nhiên liệu từ thực vật và rác thải, đồng thời phát triển các chiến lược để thu giữ carbon, năng lượng sinh học, sự tiện lợi, sạc xe điện, năng lượng tái tạo và hydro.
Nguyễn Tuyết