Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Sản phẩm OCOP quốc gia: Phát triển bề rộng, không ‘bỏ ngỏ’...

Sản phẩm OCOP quốc gia: Phát triển bề rộng, không ‘bỏ ngỏ’ chất lượng

0

Chương trình OCOP sau hơn 3 năm triển khai đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế; đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống.

Sản phẩm mận hậu của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP giai đoạn 2018-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 490-QĐ/TTg ngày 7/5/2018 nhằm góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù, phát triển kinh tế theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình đã phát triển rộng khắp cả nước, nhiều sản phẩm của Chương trình OCOP chưa được tiêu thụ rộng rãi, chưa khẳng định thế mạnh của sản phẩm hàng hóa đặc thù. Vì vậy, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng sức bật, tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn.

Chương trình này đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế; đặc biệt là những sản vật, làng nghề truyền thống của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Mặc dù tiến độ triển khai trong cả nước còn chậm so với kế hoạch đề ra, nhưng đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình OCOP, trong đó 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm, cho thấy nhận thức và ý thức triển khai Chương trình rất tích cực, mang lại nhiều hiệu quả.

Phát triển bề rộng

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ thực hiện các đột phá chiến lược để tạo môi trường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, môi trường, hạ tầng cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển; tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì vây, việc tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, trong đó đẩy mạnh Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, giá trị gia tăng cao.

Với mục tiêu phát huy lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế thực hiện, Chương trình OCOP đã triển khai rộng khắp cả nước, khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như Lợn Móng Cái (Quảng Ninh); gà Tiên Yên (Quảng Ninh); chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì (Hà Giang); chè Tân Cương (Thái Nguyên); càphê (Sơn La), lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…

Đến nay, trên cả nước có gần 3.000 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng với gần 5.000 sản phẩm lợi thế của địa phương, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm gần 60%, còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 40%, cho thấy mục tiêu Chương trình rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải, may mặc; nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn và làng bản văn hóa gắn liền với du lịch.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay sức sáng tạo trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm OCOP mạnh mẽ, số sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh chiếm 98,3%, cho thấy việc nhận diện và phát triển sản phẩm đặc thù địa phương của Chương trình OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm OCOP đã được cung ứng mạnh cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán.

Về nguồn lực triển khai, Chương trình đã huy động được 22.845 tỷ đồng (kế hoạch dự kiến 45.000 tỷ đồng), trong đó các tổ chức OCOP huy động nguồn lực và vay tín dụng chiếm trên 93% (tăng 6,6% so với kế hoạch đề ra là 86,6%); ngân sách các cấp (cả nguồn lồng ghép) chiếm 7% (giảm 6,4% so với kế hoạch đề ra là 13,4%).

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được các bộ, ngành, địa phương triển khai rất tích cực và hiệu quả, giúp Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ với trên 142 trung tâm, điểm bán hàng OCOP; hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khu vực với hơn 10.000 gian hàng dần trở thành thương hiệu địa phương và điểm đến của du lịch…

Gạo séng cù của Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Nông lâm thủy sản TNĐ là một sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Đáng chú ý, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy Sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế về phong trào OCOP/OVOP/OTOP trong phát triển ngành nghề nông thôn khối ASEAN và một số nước triển khai phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” – OCOP được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Không “bỏ ngỏ” chất lượng, hướng tới chuỗi sản phẩm

Chương trình OCOP được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, vì vậy, cần tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định; trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phát triển kinh tế du lịch, từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.

Đặc biệt, việc tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ trong triển khai, thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP phải được chú trọng để khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương.

Trong quá trình triển khai Chương trình, sản phẩm OCOP phải đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, sản phẩm phải ngày càng phát triển, đa dạng bởi việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là sinh kế của người dân, mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh.

Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn… đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, tiêu thụ ổn định, trong đó nhiều sản phẩm OCOP đã đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu như miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn); càphê Bích Thao (Sơn La); đường thốt nốt Palmania (An Giang), nước mắm Lê Gia (Thanh Hóa)…

Tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ năm 2022 mới diễn ra, nhiều địa phương cho biết, thời gian qua đã chú trọng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp; trong đó chú trọng đến các sản phẩm OCOP, hướng tới chuỗi sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, các địa phương đều có những chính sách đồng bộ xây dựng gắn liền với quản lý thương hiệu nông sản, quy hoạch vùng trồng và hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết sản xuất trong phát triển sản phẩm OCOP. Hiện mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang là điểm mạnh trong chương trình OCOP địa phương, bước đầu xây dựng mối liên kết giữa các nhà sản xuất với nhau và giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp trong phát triển chuỗi sản phẩm.

Đặc biệt, các địa phương đã tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất bền vững, nhiều sản phẩm OCOP đã hướng đến chất lượng với quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, góp phần giải quyết bài toán thị trường hiệu quả. Điều này cho thấy chuỗi giá trị bền vững không chỉ có ý nghĩa sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mà còn đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy thương hiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền ở địa phương.

Thu Hà

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/san-pham-ocop-quoc-gia-phat-trien-be-rong-khong-bo-ngo-chat-luong/797084.vnp