Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn nối sân bay Vân Đồn với Hạ Long sau khi thông xe rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội và Vân Đồn chỉ còn 2,5 giờ.
Dự án đang trong giai đoạn thi công nước rút để hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Đoạn từ cao tốc Hạ Long đến xã Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) tiến độ thi công tổng thể đạt hơn 86% khối lượng công việc. Các nhà thầu thi công đã rải cấp phối đá dăm được 53,6/54km.
Ngoài ra, đã thảm bê tông nhựa (R25, C19, polyme) đạt 98,6% các hạng mục như lắp đặt hộ lan, hàng rào thép, dải phân cách giữa và xử lý 31 vị trí sạt trượt phát sinh trên toàn tuyến đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Ngày 22/9, kiểm tra tiến độ dự án ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư tiến hành khẩn trương hơn nữa công tác thi công, xử lý dứt điểm các vị trí từng bị sạt lở do mưa bão trước đó, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, đơn vị liên quan, quyết tâm trong tháng 12/2018 phải hoàn thành dự án.
Theo dự kiến, đến ngày 20/10, đoạn nút giao cầu vượt Minh Khai (TP. Hạ Long) đến cầu vượt km5 và km6 (giáp huyện Hoành Bồ) sẽ được lưu thông.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu từ nay đến 15/10, nhà đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng 2 cầu vượt này, bên cạnh đó khẩn trương hoàn thiện hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, trạm vận hành trạm thu phí, khắc phục các điểm sạt lở,…
“Thời điểm hiện tại, các phương tiện có thể di chuyển từ đoạn nút giao QL18 lên cầu vượt Cẩm Y, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) đi huyện Vân Đồn và ngược lại (thuộc cao tốc Hạ Long- Vân Đồn).
Sau khi hoàn thành, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn sẽ cùng với sân bay Vân Đồn cơ bản thay đổi bộ mặt của nơi dự định làm đặc khu kinh tế. Dự án còn có vai trò kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Được biết, dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn có tổng chiều dài 54 km, chạy xuyên núi đồi. Đây là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường mới theo hình thức BOT, do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ dùng một khoản vốn mồi (10% tổng dự toán) để làm công tác giải phóng mặt bằng. Phần còn lại là của các nhà đầu tư.
Tốc độ thiết kế của cao tốc là 100 km mỗi giờ, chiều rộng nền đường 24,5 m. Dự án khởi công từ tháng 9/2015 và dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 12/2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Công ty CP BOT Biên Cương hoạt động từ tháng 5/2015, là doanh nghiệp dự án được thành lập bởi Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Công Thành (94,98%) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành – Phương Thành Tranconsin (5%).
Theo Minh Anh/Thương Gia