Home Tiêu điểm Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Đặt lợi...

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu

0

Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành sáp nhập các quận, huyện, phường xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đây là chủ trương đúng và phù hợp xu thế phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố liên quan, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng.

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thanh Hải

Trước mắt sắp xếp gần 650 đơn vị cấp huyện, xã

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng khẳng định: Mục tiêu của Nghị quyết là tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Theo lộ trình, sau năm 2021 khi đã cơ bản sáp nhập xong những ĐVHC cấp huyện, xã không đủ điều kiện, từ 2022 – 2030 trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2019 – 2021, sẽ xác định lộ trình để đến 2030 cơ bản hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã phù hợp quy hoạch tổng thể ĐVHC. “Về số lượng ĐVHC cấp huyện, xã cần sắp xếp, trong giai đoạn đầu sẽ sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện, 631 đơn vị cấp xã”- ông Hùng cho hay.

Nghị quyết đưa ra giải pháp trước hết là bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới các văn bản liên quan sắp xếp ĐVHC bảo đảm đồng bộ, đơn giản hóa TTHC đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng hầu hết Nhân dân. Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới văn bản pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách cho đối tượng bị tác động. Đặc biệt, phải tạm dừng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những địa phương trong kế hoạch sắp xếp; xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể ĐVHC quốc gia và từng địa phương phù hợp chiến lược phát triển. Đồng thời xây dựng khung danh mục vị trí việc làm (VTVL) để các địa phương có lộ trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ phù hợp thực tế.

Yếu tố con người, trách nhiệm người đứng đầu quan trọng nhất trong sắp xếp, vì thực tế xã, huyện nào người đứng đầu có trình độ, ý tưởng tốt, lại thực sự lăn lộn hết lòng vì dân, nắm chắc hoàn cảnh của dân, thì khó khăn đến mấy cũng cố gắng đưa được vùng đất đó phát triển. Nên, rất cần chọn chủ tịch cấp xã, huyện cho chuẩn; nếu chọn phải cán bộ chỉ ngồi một chỗ thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu chất lượng cuộc sống mọi người dân. Nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An

Quan trọng nhất là chọn người

Xung quanh Nghị quyết này, nhiều chuyên gia đồng tình cao vì sẽ mang lại nhiều lợi ích: Với những quận, huyện, phường, xã quá nhỏ rất “tốn” người quản lý, mà lại không hỗ trợ nhau phát huy được thế mạnh. Khi ghép các ĐVHC lại trên cơ sở các tiêu chí xác định, sẽ hỗ trợ nhau phát huy được tiềm năng, nhiều vấn đề khác để đi lên. Quan trọng nhất, sáp nhập giúp tinh giản, bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều bằng cách giảm những đầu mối, công chức, viên chức khiến ngân sách đang thường xuyên phải “gánh”.

Tuy nhiên, nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, với một số vùng có đặc điểm riêng, cần nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù, như vùng núi diện tích rộng, dân số ít nhưng địa hình rất khó khăn. Đặc biệt để sắp xếp tốt, rất cần thực hiện giải pháp trước mắt nêu trong Nghị quyết là đơn giản hóa TTHC và điều chỉnh một số tiêu chuẩn, song quan trọng nhất là chuyện chọn người, chọn cán bộ. Bởi ĐVHC sau sáp nhập chắc chắn có diện tích rộng, dân số lớn hơn, địa hình có thể phức tạp hơn, nên việc trao trách nhiệm và chọn người đứng đầu nhất là Chủ tịch cấp xã, huyện đó rất quan trọng, sao cho bộ máy chuẩn, gắn bó với dân, phát huy được thế mạnh địa phương. Với cấp xã sát dân nhất, nếu chọn được người đứng đầu biết tổ chức thực hiện tốt các chính sách cho người dân thì sẽ phát huy hiệu quả rất lớn của việc sáp nhập. Song song đó, cần cơ chế để người đứng đầu đơn vị sau sáp nhập phát huy được năng lực, quản lý người dân, tạo được phát triển đột phá cho địa phương.

Để việc thực hiện nghị quyết hiệu quả, sau một năm sáp nhập ĐVHC cấp huyện, xã cần có đánh giá cụ thể từng địa phương theo tiêu chí như tập hợp được lực lượng, đoàn kết được Nhân dân, đưa vùng đất đó phát triển ổn định. Đồng thời, cũng cần theo đặc thù từng vùng, để phát huy được thế mạnh từng địa phương, qua đó nâng cao đời sống người dân. Bởi nếu người dân không có việc làm ổn định sẽ sinh ra nhiều hộ nghèo, các vấn đề an sinh xã hội.
Dù vậy, để tiến hành được những bước đi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, cần có lộ trình rất cụ thể và cân nhắc nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán… chứ không chỉ căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Sáp nhập hai xã lại là cả câu chuyện không đơn giản. Muốn làm được, quan trọng trước tiên phải có lòng dân đồng thuận cao, không thể chính quyền áp đặt. “Chính vì thế trước hết phải tuyên truyền vận động rất nhiều để họ hiểu, thấy phù hợp. Đưa ra định hướng nhưng phải có cách làm đúng, có lý, có tình thì mới thành công”- ông Dĩnh nhấn mạnh.

Theo Bộ Nội vụ, cả nước có 588/713 ĐVHC cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số theo Nghị quyết 1211/2016 của UBTV Quốc hội. Trong đó, 259 đơn vị chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, 18 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn. Có 9.434/11.162 đơn vị cấp xã (84,51%) chưa đạt hai tiêu chuẩn, trong đó 6.191 đơn vị chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn, 637 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn.

Theo Linh Nguyễn/Kinh tế & Đô thị