Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý nghiêm những ngân hàng, cá nhân cố tình gây khó khăn khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02.
Tập trung triển khai tăng trưởng tín dụng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành Chỉ thị số 02 nhằm đốc thúc các ngân hàng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023 được ban hành ngày 23/4/2023.
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cần tập trung triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Cùng với đó, triển khai với quyết tâm cao nhất chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31, không để bất cứ một doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời.
Chủ tịch, CEO ngân hàng trực tiếp chỉ đạo triển khai Thông tư 02
Về việc thực hiện Thông tư 02/2023 được ban hành ngày 23/4/2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng các ngân hàng khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này.
Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông tư.
Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện.
Ngoài ra, có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, công khai về hồ sơ, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng nắm bắt được thông tin, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách.
Giải đáp kịp thời các vấn đề vướng mắc về hồ sơ, thủ tục cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ, sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đúng quy định; giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để thông đồng, trục lợi chính sách.
Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và hạch toán lãi dự thu theo đúng quy định pháp luật.
Báo cáo kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.
Lê Thanh Hồng