Home Kinh tế vĩ mô Sơn La phát triển cây mắc ca: Chủ trương đúng, trúng lòng...

Sơn La phát triển cây mắc ca: Chủ trương đúng, trúng lòng dân

0

Cây mắc ca đã và đang tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La. Hiện nay, cây trồng mắc ca đang thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng, đưa mắc ca trở thành một trong những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh.

Sơn La phát triển cây mắc ca: Chủ trương đúng, trúng lòng dân - Ảnh 1.
Quả mắc ca xanh ở xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai chuẩn bị cho thu hoạch – Ảnh: Báo Sơn La

Tỉnh Sơn La định hướng quy hoạch phát triển thành 3 vùng kinh tế trọng điểm, gồm vùng thấp, vùng lòng hồ và vùng cao. Trong đó, vùng cao tập trung phát triển các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng thảo dược dưới tán rừng, kết hợp với chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, địa hình đồi dốc, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước phục vụ tưới tiêu khó khăn, nên việc lựa chọn cây trồng thích hợp là bài toán đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều năm qua.

Năm 2003, cây mắc ca bắt đầu được trồng ở Sơn La. Sau đó, nhiều đề tài, dự án về cây mắc ca được triển khai, tiêu biểu có 2 dự án: “Mô hình nhân giống và trồng thâm canh cây mắc ca” do ông Đào Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh) thực hiện và dự án “Điều tra, đánh giá khả năng thích ứng của cây mắc ca, dự báo về chế biến trên địa bàn tỉnh” thực hiện năm 2015-2017, do ông Vũ Hồng Tráng, Phó Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và nhóm tác giả thực hiện. 

Các đề tài đã điều tra, đánh giá được sự sinh trưởng, phát triển, khả năng thích ứng của cây mắc ca làm cơ sở cho việc phát triển mở rộng trong điều kiện sinh thái phù hợp. Cây mắc ca có tác dụng phòng hộ cho vườn cà phê, điều hoà khí hậu trong vườn, giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, tái lập sự cân bằng tự nhiên và điều tiết năng suất cây trồng.

Những kết quả khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả cây mắc ca thông qua các dự án, là cơ sở để ngày 7/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kết luận số 253-KL/TU về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với quan điểm phát triển cây mắc ca thận trọng, bài bản, có lộ trình, dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đánh giá thực tiễn. Sau đó, ngày 10/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1227/QĐ-UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 5.000 ha cây mắc ca, thu hút đầu tư một nhà máy chế biến hạt mắc ca, quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh. Đến năm 2030, có 10.000 ha mắc ca.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, qua rà soát quỹ đất lâm nghiệp không có rừng quy hoạch là đất rừng sản xuất giao cho cộng đồng sử dụng kém hiệu quả còn 11.869 ha và khoảng 23.300 ha cây cà phê, chè có thể trồng xen mắc ca, trọng tâm ở các huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp… Chủ trương đầu tư là Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức liên kết thành lập các HTX hợp tác với nhà đầu tư hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm mắc ca cho người dân. Qua đánh giá cho thấy, đây là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện của Sơn La vì cho thu nhập ổn định, có nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, mắc ca là cây lâu năm, khi trồng với diện tích lớn, sẽ nâng độ che phủ rừng lên, tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân.

Sau nhiều lần lên Sơn La khảo sát, đánh giá mô hình trồng cây mắc ca, GS. Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thông tin: Mắc ca là cây có khả năng chịu được khí hậu khắc nghiệp, chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức trồng thuần hoặc trồng xen. Sau 5-6 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch, năng suất quả tươi ước đạt khoảng 6 tấn/ha/năm. Mắc ca có vòng đời khai thác lâu dài, có thể phát triển thành cây trồng rừng, chống sự xói mòn của đất.

Giai đoạn 2018-2020, Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La đã đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến sản xuất, chế biến mắc ca; trung bình mỗi năm chế biến khoảng 100 tấn thành phẩm quả mắc ca. Năm 2019, sản phẩm mắc ca của công ty được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện, sản phẩm hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca và dầu ăn mắc ca của công ty đang được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Tomita mart, Đồng Xanh food mart, Hapu mart và các đại lý phân phối trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn, Mộc Châu.

GS. Nguyễn Lân Hùng khẳng định: Cây mắc ca không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà có thể làm giàu, vì cây mắc ca có thể “vào được” các vùng đất khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn phát triển sinh trưởng tốt. Tỉnh Sơn La còn nhiều đất trống, đồi trọc, việc sớm đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực trong 5-10 năm nữa là hoàn toàn khả thi.

Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án xác định phát triển mắc ca tập trung tại các tỉnh khu vực Tây Bắc và vùng Tây Nguyên… Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khảo sát tại tỉnh Sơn La có gần 11.869 ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt để trồng mắc ca.

Đưa cây mắc ca phát triển bền vững tại Sơn La, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thông tin, việc hiệp hội và UBND tỉnh Sơn La ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cây mắc ca Sơn La phát triển. Mong muốn tỉnh Sơn La thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác sản xuất mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho HTX.

Có kinh nghiệm trồng, thu hoạch, bảo quản, sơ chế mắc ca, ông Dương Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, chia sẻ: Cây mắc ca là cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các xã vùng cao, biên giới. Đây cũng là một cây trồng không chịu áp lực về thời vụ; thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Năm 2021, công ty đã xuất ra thị trường gần 20 tấn hạt mắc ca thành phẩm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.

Thông tin vui để xây dựng thương hiệu “mắc ca Sơn La”, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đối với sản phẩm hạt mắc ca của Công ty cổ phần mắc ca Liên Việt Sơn La: Cứ 100 g hạt mắc ca cung cấp cho cơ thể 740 calo, cao hơn đa số các loại hạt khô hiện có mặt trên thị trường. Sản phẩm của công ty cũng được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đánh giá đạt tiêu chuẩn về phương diện vi sinh vật đối với sản phẩm rau quả muối, rau quả khô. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thương hiệu mắc ca Sơn La.

Năm 2021, tỉnh Sơn La đã cấp chủ trương chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần mắc ca Liên Việt Sơn La với diện tích 2.900 ha cây mắc ca tại huyện Sốp Cộp. Hiện nay, công ty đang trồng mắc ca trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Tỉnh Sơn La rất mong muốn, khi phát triển đủ diện tích, đủ sản lượng, thì Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ đặt nhà máy chế biến mắc ca tại Sơn La. Việc làm này sẽ góp phần ổn định khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

LS

Link nguồn