Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi – mã: SNZ) mới đây đã thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thoái toàn bộ vốn góp tại CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) trong quý II và III/2019.
Tổng khối lượng thoái vốn là 7,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 6,82% số cổ phần đang lưu hành của Cảng Phước An. Giá khởi điểm từ 11.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số tiền thu về tạm tính là 84 tỷ đồng.
Tính đến 31/03, Sonadezi có khoản đầu tư tài chính góp vốn vào các đơn vị khác là gần 225 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư của tại Cảng Phước An có giá trị sổ sách hơn 71 tỷ đồng.
Sonadezi đang đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp thành viên. Trong quý I/2019, Sonadezi thông báo sẽ thực hiện thoái vốn đầu tư tại CTCP Kinh doanh nhà với tỷ lệ vốn góp từ 75,37% xuống còn 36%. Đồng thời, Sonadezi còn quyết định sẽ thoái 36% vốn tại CTCP Bến xe và Dịch vụ Vận tải Đồng Nai và 34% vốn CTCP Sonadezi Long Bình trong quý II.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018, Cảng Phước An không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch, qua đó thua lỗ khoảng 7,7 tỷ đồng năm 2018. Do vậy, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng này vẫn đang lỗ lũy kế hơn 27 tỷ đồng.
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An là chủ đầu tư của Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực với diện tích 183ha. Hiện cổ đông lớn nhất của PAP là Tập đoàn Hoành Sơn với khoảng 62%.
Dự án Cảng Phước An thuộc nhóm cảng biển số 5 được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia với diện tích 183 ha khu cảng, 550 ha kho bãi logistics được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ngày 24/12/2009.
Sau khi hoàn thành, Cảng Phước An sẽ có chiều dài bến 3.050 m, gồm 6 bến container; 4 bến tổng hợp và có thể tiếp nhận tàu hàng 60.000 DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Thế nhưng sau gần 8 năm xây dựng, dự án vẫn trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, chưa thể đưa vào khai thác trong tương lai gần.
Cho đến nay, dự án vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dẫn đến dự án chậm tiến độ. Tính đến 31/3, Cảng Phước An có tổng tài sản 1.106 tỷ đồng, trong đó có 222 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Công ty vẫn đang trong quá trình đầu tư và chưa phát sinh doanh thu.
Trên thị trường, cùng với con sóng cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp, cổ phiếu SNZ của Sonadenzi cũng có đà tăng mạnh trong những phiên gần đây. Chỉ trong vòng 3 phiên gần nhất, cổ phiếu SNZ đã tăng hơn 42% lên mức 25.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường vượt trên 9.400 tỷ đồng.
Không chỉ công ty mẹ, nhiều đơn vị thành viên của Sonadezi cũng ghi nhận sự tăng mạnh về giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đang kinh doanh mảng khu công nghiệp (KCN).
Cổ phiếu SZL của CTCP Sonadezi Long Thành liên tiếp phá đỉnh và hiện giao dịch trên 47.000 đồng/cp. Cổ phiếu CTCP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) kể từ khi niêm yết ngày 15/1 đạt đỉnh 20.500 đồng/cp. Hay như CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (HoSE: D2D) cũng tăng gấp đôi giá trong 1 năm qua, hiện giao dịch quanh vùng đỉnh gần 140.000 đồng/cp.
Ngoài ra, một số đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng ghi nhận sự tăng giá trong 1 năm qua. Cổ phiếu CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (mã: DND) tăng đến 127% chỉ sau 1 năm và đang đạt đỉnh 38.400 đồng/cp. Cổ phiếu DNW của CTCP Cấp nước Đồng Nai tăng giá đến 40%.
Cổ phiếu CTCP Dịch vụ Sonadezi (mã: SDV) tăng 34%. CTCP Cảng Đồng Nai (mã: PDN) đạt mức giá 84.000 đồng/cp, tức tăng 28% sau 1 năm. CTCP Môi trường Sonadezi (mã: SZE) đạt mức tăng hơn 26%. Tuy nhiên, các cổ phiếu này chưa được chú ý nhiều khi thanh khoản vẫn còn khá hạn chế.
Theo Anh Minh/Thương Gia