Nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đang được hưởng lợi từ hạ tầng liên kết vùng; trong đó, quy hoạch đô thị bền vững được xem là “điểm nóng” đầu tư bất động sản trong vùng.
Ngoài sức hút từ “thủ phủ” Tây Nam Bộ là thành phố Cần Thơ, nhà đầu tư đang quan tâm đến những thị trường “mới” khác cũng có các ưu thế như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đường thuỷ và đường bộ liên vùng đồng bộ, bao gồm các thành phố: Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Châu Đốc (tỉnh An Giang)…
Các chuyên gia nhận định, khi khoảng cách di chuyển không quan trọng, đầu tư bất động sản sẽ chuyển dịch đến các thị trường mới, có lợi thế về giá, quỹ đất, hạ tầng và tiềm năng phát triển. Tỉnh An Giang là một ví dụ, nơi giá đất còn rẻ hơn nhiều so với các thị trường phát triển lâu năm như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai,…
Về tỉnh Hậu Giang, chuyên gia bất động sản Lê Tiến Vũ cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Tây Nam Bộ, địa phương đang dần khẳng định vị thế và tiềm năng, trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua các chỉ số trong quý II/2023 như mức độ quan tâm bất động sản nhà riêng tại Hậu Giang tăng 13%, mức độ quan tâm bất động sản phân khúc đất nền tại thành phố Vị Thanh tăng 15%. Trước đó, tính cả năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 113,94%, đứng đầu vùng Tây Nam Bộ và thứ tư trên toàn quốc.
Tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung đầu tư cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tỉnh như: đường tỉnh 925B Đường tỉnh 926B, ĐT 927, ĐT 929, nâng cấp QL61C tuyến nối Vị Thanh – Cần Thơ… Đây là tín hiệu để tỉnh Hậu Giang “bứt tốc” phát triển hạ tầng giao thông, mở ra nhiều cơ hội mới, gia tăng tiềm lực thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết giữa tỉnh với các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ Dương Quốc Thủy, các phân khúc bất động sản Tây Nam Bộ hiện nay là khá đa dạng, mỗi dòng sản phẩm đều có tiềm năng phát triển riêng. Về bất động sản công nghiệp, Long An là điểm sáng của vùng vì có vị trí giáp Tp.Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi và cũng là tỉnh tập trung nhiều nhất các khu, cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp cho thuê hiệu quả như: khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng, Đức Hòa 1, Tân Đức, Xuyên Á,… mức giá cho thuê nếu so với Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương khá cạnh tranh.
Ngoài ra, nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ cũng đẩy mạnh quy hoạch đầu tư khu công nghiệp như Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp,… với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm,…
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ cho biết, phân khúc căn hộ chung cư hiện đang và sẽ nở rộ tại vùng Tây Nam Bộ, điển hình tại thành phố Cần Thơ thời gian qua rất hút dòng sản phẩm này, dự án nào ra mắt cũng hết hàng. Tiếp theo không chỉ tại Cần Thơ mà một số đô thị loại I như Long Xuyên (tỉnh An Giang), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng sẽ phát triển loại hình này cùng với tiến trình đô thị hóa luôn thu hút lực lượng lao động chất lượng cao về làm việc.
Riêng đối với thành phố Cần Thơ, với vị thế nằm ở trung tâm Tây Nam Bộ, đây được các chuyên gia đánh giá là thị trường “sáng giá” cho bất động sản ở thật. Với mật độ dân số cao gấp ba lần mật độ dân số toàn quốc và gấp hai lần mật độ dân số cả vùng, nhu cầu về nhà ở tại Cần Thơ ngày càng tăng cao nhờ thu hút người dân nhiều nơi đến học tập, sinh sống, nhất là nguồn lao động dồi dào làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên toàn thành phố. Đối tượng nhập cư này có nhu cầu an cư lớn, thúc đẩy nhu cầu đất nền, nhà phố, căn hộ tại địa phương.
Đặc biệt, thành phố Cần Thơ sở hữu nhiều yếu tố hiện hữu làm tiền đề cho sự phát triển đô thị: trọng điểm kinh tế phía Nam, đầu mối giao thông – giao thương quan trọng nhất Tây Nam Bộ, mật độ dân số cao, tăng trưởng kinh tế ổn định. Năm 2022, Cần Thơ có mức độ tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay, đạt 12,64%, đứng hạng thứ sáu so với cả nước, xếp thứ hai trong vùng Tây Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. GDP bình quân đầu người đạt gần 86 triệu đồng. Tỷ trọng nghiêng về khu vực dịch vụ, chiếm 52,47%; khu vực công nghiệp – xây dựng, chiếm 31,03%. Tốc độ phát triển kinh tế cũng tạo tiềm năng tăng trưởng của bất động sản ở thật tại Cần Thơ.
Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Cần Thơ sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản của khu vực này. Chiều ngược lại, thị trường bất động sản cũng góp phần phát triển kinh tế thành phố, giải quyết nhu cầu về nhà ở đa dạng cho cư dân và tạo diện mạo đô thị mới, trở thành động lực cho nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ.
Theo Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ Phạm Duy Tín, các nhà đầu tư khi đến Cần Thơ cân nhắc rất nhiều yếu tố nên thành phố xác định cần có sẵn quỹ đất sạch để doanh nghiệp vào đầu tư ngay nhằm tiết giảm chi phí, tăng hiệu suất đầu tư. Trong những tháng cuối năm 2023, Ban quản lý tập trung hỗ trợ nhà đầu tư VSIP trong việc triển khai dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) để sớm có quỹ đất sạch diện tích đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Trước đó, trong quý I – II/2023, thị trường bất động sản công nghiệp ở Cần Thơ tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi nguồn cung có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận. Nguồn cung bổ sung đáng kể có dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) quy mô 293,7 ha mới khởi công. Ðây là khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của nhà đầu tư.
Hồng Đạt