Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, thị trường có thể quay trở lại đà giảm điểm trong tuần tới và VN-Index khả năng sẽ kiểm tra đáy 1.160 điểm.
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục nhẹ sau ba tuần điều chỉnh giảm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục dưới mức trung bình.
Sau 5 phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,42 điểm (+1,1%) và lên 1.198,9 điểm, HNX-Index có thêm 2,95 điểm (+1,1%), lên mức 278,88 điểm.
Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt 61.226 tỷ đồng và giảm 5,4% so với tuần trước đó, tương ứng 2.562 triệu cổ phiếu (giảm 4,7%). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX ghi nhận 7.115 tỷ đồng, giảm 44,9% với 335 triệu cổ phiếu (giảm 33,4%).
Khối ngoại tích lũy ròng
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho biết VN-Index tăng điểm khá mạnh trong hai phiên đầu tuần với mức tăng đều trên 1%. Nhưng sau đó, thị trường có hai phiên điều chỉnh liên tiếp. Đặc biệt vào phiên ngày 30/6, VN-Index điều chỉnh khá mạnh với mức giảm trên 1%. Về phiên cuối tuần, thị trường đi xuống gần như toàn bộ thời gian và chuyển hướng tăng điểm nhẹ tại thời điểm đóng cửa.
Với diễn biến trong tuần qua, ông Thắng chỉ ra các nhóm ngành trên thị trường có sự phân hóa tương đối lớn.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng đi lên mạnh nhất với 3,3% giá trị vốn hóa đồng thời tạo ra động lực, hỗ trợ thị trường vượt qua những thời điểm khó khăn, có thể kể đến các mã như CTG (+8,9%), BID (+12,3%), TCB (+1,4%), VPB (+3,4%), MBB (+2,1%), ACB (+1,1%)…
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa, nhờ đà tăng của các cổ phiếu trụ cột trong ngành như FPT (+2,9%), CMG (+6,9%)..
Giá trị giao dịch trong tuần theo nhóm ngành:
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng nhẹ 1,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ sự tích cực của trụ cột trong ngành là VNM (+3,1%). Ngoài ra, nhóm công nghiệp (+1,2%) và dược phẩm và y tế (+0,6%) là những ngành tăng nhẹ còn lại.
Ở chiều đi xuống, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 1,1% giá trị vốn hóa, tại các mã ngành hóa chất như DGC (-8,6%), DPM (-6,3%), DCM (-12,5%), CSV (-4,8%)… và nhóm dịch vụ tiêu dùng (-0,5%), tiện ích cộng đồng (-0,2%), dầu khí (-0,2%).
Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên hai sàn với giá trị ước đạt 170 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ở mã STB với 7,3 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là mã DCM với 4,3 triệu cổ phiếu và FUEKIV30 với 3,6 triệu chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, FUEVFVND là mã chứng khoán bị họ bán ròng nhiều nhất với 8,4 triệu chứng chỉ quỹ.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 từ 10 đến 13 điểm, theo ông Thắng điều này thấy các nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh.
Tâm lý nhà đầu tư còn khá yếu
Về kỹ thuật, ông Thắng phân tích sau ba tuần, thị trường chứng khoán điều chỉnh liên tiếp để kiểm tra lại vùng đáy cũ quanh ngưỡng 1.160 điểm (trong tháng Năm), VN-Index đã có hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối của tháng Sáu tại ba phiên ngày 21/6-23/6.
Tuy nhiên trong phiên ngày 30/6, thị trường quay đầu lao dốc và ông Thắng cho rằng tâm lý nhà đầu tư còn khá yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi của thị trường. Cụ thể, phiên cuối tuần mặc dù thị trường có sự hồi phục nhẹ song thanh khoản vẫn ở mức thấp.
“Với diễn biến trên, thị trường quay trở lại đà giảm điểm trong tuần tới là có thể xảy ra, VN-Index khả năng kiểm tra lại đáy 1.160 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân mới.” ông Thắng nói.
Giá trị ròng theo loại hình nhà đầu tư trong 5 tuần qua:
Song từ diễn biến tại phiên cuối tuần, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) có cái nhìn lạc quan hơn và nhận định VN-Index có khả năng hồi về vùng mục tiêu ngắn hạn ở mức 1.220 điểm trong đầu tuần sau. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể tranh thủ mua gom các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh quý 2 khả quan.
Về dài hạn, ông Thắng kỳ vọng thị trường sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần và mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn, trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịnh vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 tăng 7,72%, đây là mức cao nhất trong thập kỷ qua. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý này.
“Các nhà đầu tư giá trị năm giữ cổ phiếu trong dài hạn có thể giải ngân ở các phiên điều chỉnh mạnh như phiên ngày 30/6. Với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình mua vào sẽ có thể kéo dài,” ông Thắng trao đổi.
Về điều này, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDRECT cho biết mức chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại đang được nới rộng, hàm ý rằng thị trường hiện tại có thể đang bị định giá thấp.
“Trong kịch bản cơ sở, VNDRECT kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.330-1.500 điểm trong năm 2022 với lợi suất thu nhập thị trường (P/E) mục tiêu cho năm 2022 là 12,5-14 lần,” bà Hiền trao đổi.
Hạnh Nguyễn
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tam-ly-nghieng-ve-dieu-chinh-vnindex-co-the-do-day-1160-diem/801649.vnp