Home Kinh tế vĩ mô Tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quý 4/2022 và...

Tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quý 4/2022 và năm 2023

0

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý 4/2022 và năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, do Chính phủ tổ chức ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý 4/2022 và năm 2023.

Trong bối cảnh này đòi hỏi các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động, không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh giải ngân.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất; rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; sự cạnh tranh trong bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

“Trong bối cảnh đó, giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, quan điểm điều hành là yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).

Cùng với đó, các địa phương chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

“Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Do đó, các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động, không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nâng cao sự chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm thiểu tối đa độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công được giao; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống thất thu, mở rộng các cơ sở thu, phấn đấu tăng thu, tạo dư địa trong điều hành

Mục tiêu phấn đấu của nước ta từ nay đến cuối năm là hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm)… Giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95%-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn ngân sách địa phương đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng.

Thúy Hiền

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tang-truong-kinh-te-se-kho-khan-hon-trong-quy-42022-va-nam-2023/815997.vnp