Taxi G7 kỳ vọng sẽ là đối thủ của Grab và các hãng taxi công nghệ
Không quá ồn ào, nhưng trong hơn 1 tháng qua, dư luận bắt đầu râm ran về thương hiệu taxi mới mang tên taxi G7. Vậy taxi G7 là đơn vị thế nào, hoạt động ra sao, khi thị trường taxi hiện nay đang khá “chật chội”.
Tham vọng lớn
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, G7 taxi sẽ là sự liên minh của 3 hãng taxi truyền thống là Thành Công, Sao Hà Nội, Ba Sao. Đây là sự sáp nhập thú vị để tạo nên duy nhất 1 thương hiệu mới với các dịch vụ đặt xe chung, chế độ đãi ngộ tốt và lượng xe lớn. Nhờ những ưu điểm đó, taxi G7 kỳ vọng có thể cạnh tranh sòng phẳng và phá vỡ thế độc quyền của Grab.
Ông Phan Trọng Tuệ, Giám đốc truyền thông taxi G7 cho biết: Hiện tại, G7 có khoảng 3.000 xe với toàn bộ nhận diện mới, hoạt động trên cùng hệ thống. Trong khi toàn Tp, Hà Nội có khoảng 19.000 xe taxi thì việc G7 sở hữu tới 3.000 xe thực sự là một ưu thế vượt trội. Số xe của chúng tôi sẽ được tăng thêm trong tương lai khi tiếp tục sáp nhập thêm một số đơn vị khác.
“Với mô hình mới của taxi G7, các hãng gia nhập G7 đều là cổ đông, tham gia vào hội đồng quản trị và được quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Đây là cam kết rõ ràng nhất của G7 taxi với các hãng sáp nhập để đồng hành, bảo vệ lợi ích, hợp tác ổn định lâu dài cùng nhau”, ông Tuệ nói.
Ông Phan Trọng Tuệ cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, thương hiệu Taxi G7 dần lộ diện với số tổng đài là 024 32 32 32 32 (hay còn gọi là 4 lần 32). Mục tiêu chỉ sau 1 cuộc gọi qua tổng đài (hoặc app gọi xe của G7), khách hàng chỉ chờ 2-5phút là có xe. Chất lượng phục vụ và sự an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu. Dự kiến, chuyến xe đầu tiên dưới thương hiệu G7 sẽ “lăn bánh” vào đầu tháng 10/2018.
Tuy nhiên, dù có sáp nhập theo cấp số nhân kiểu “bó đũa” nhưng nếu không có sự quảng bá thương hiệu tốt chắc chắn taxi G7 sẽ nhận “trái đắng” khi người dùng đã quá quen thuộc với app đặt xe của Grab. Nhận rõ sự thua thiệt này, lãnh đạo taxi G7 bật mí sẽ “bạo tay” chi khoảng 1 triệu USD để quảng bá nhận diện thương hiệu, tạo sự quen thuộc cho khách hàng.
Thu nhập lái xe sẽ ra sao sau sáp nhập?
Có một lo lắng khác được đặt ra là: Sau sáp nhập đời sống lái xe taxi G7 thế nào? Đây cũng là sự quan tâm của khoảng 6.000 lao động khi sáp nhập, bởi nếu chế độ không ổn định chắc chắn họ sẽ “nhảy việc”.
Theo lãnh đạo taxi G7, vẫn đề ưu tiên hàng đầu của hãng là đảm bảo quyền lợi của người lao động ít nhất phải như trước đây. Thậm chí, dự kiến có thể tăng thu nhập lên tới 20% nhờ lượng khách gia tăng và giảm km chạy rỗng, từ đó tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Ông Phan Trọng Tuệ khẳng định: “Với mục tiêu con người là chủ đạo, taxi G7 sẽ có nhiều chế độ tốt đối với tài xế. Ví dụ như trong 3 tháng cuối năm 2018, lái xe se được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác để đảm bảo quyền lợi và yên tâm làm việc ngay từ khi giai đoạn đầu G7 thành lập”.
Trao đổi với VietnamFinance, anh Nguyễn Thế Vinh, một lái xe taxi từng lái cho Taxi Mai Linh nhiều năm, hiện đang lái cho Grab tâm sự: “Ngay sau khi Grab được thí điểm tôi đã chuyển sang lái, ban đầu, thu nhập rất khá từ 20 – 30 triệu/tháng. Thời điểm đó, Grab có chiết khấu cho lái xe là 20% với các ưu đãi khác. Tuy nhiên, sau nhiều lần thắt chặt và tăng chiết khấu (hiện tại là 23,6%), tôi chạy 12 tiếng/ngày may ra mới đạt 15 triệu/tháng. Trừ 10 triệu trả lãi ngân hàng do mua xe thì thu nhập còn lại cũng không còn bao nhiêu”.
Trong bối cảnh, lượng xe taxi công nghệ tăng mạnh, dần chiếm lĩnh thị phần thì các hãng taxi truyền thống buộc phải có sự thay đổi đột phá, phát huy tối đa thế mạnh riêng. Qua rồi cái thời “đứng đường vẫy xe”, taxi truyền thống phải có app đủ mạnh, lượng xe lớn, chất lượng phục vụ tốt… mới có thể tồn tại. Cuộc chiến giành giật thị trường taxi Hà Nội còn hứa hẹn nhiều ẩn số thú vị.
Theo Đinh Tịnh/VietnamFinance