Thanh toán phi tiền mặt và các công nghệ 4.0 mở ra nhiều cơ hội kinh doanh nhưng cũng giúp tin tặc đánh cắp tiền người khác tốt hơn.
Với ưu thế thuận tiện và nhanh chóng, thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến và trở thành một trong những phương thức được ưa chuộng nhất hiện nay. Tuy nhiên, các trường hợp gian lận liên quan tới loại hình thanh toán này được ghi nhận gần đây diễn biến ngày càng phức tạp đã được ghi nhận.
Gần đây, tội phạm trong giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến hoạt động ngày càng tinh vi, có thể kể đến như: Giả danh cán bộ ngân hàng thông báo với khách hàng về các khoản tiền chuyển đến tài khoản khách hàng và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin số thẻ, cùng mã mật khẩu xác thực một lần (One Time Password – OTP) để tác nghiệp ghi có vào tài khoản khách hàng. Sau đó, đối tượng sẽ lợi dụng các thông tin được cung cấp, để mua sắm hàng hóa, dịch vụ qua mạng Internet, dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt như thẻ games trực tuyến, thẻ trả trước Internet, thẻ điện thoại (tại Việt Nam) hoặc dịch vụ du lịch, vật phẩm cao cấp (tại nước ngoài).
Đối với việc thanh toán kỹ thuật số đang phát triển mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi người tiêu dùng ngày càng tích cực mua bán trực tuyến và đón nhận các phương thức thanh toán phi tiền mặt. Xu hướng này được ủng hộ bởi hàng loạt ngân hàng trung ương và Chính phủ các nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của thanh toán kỹ thuật số trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nền tảng cho dữ liệu phát triển đáng kể nhưng cũng đồng thời thu hút tội phạm mạng.
Hầu hết Chính phủ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều tập trung vào lộ trình số hóa nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào tiền mặt.
Theo nghiên cứu của Juniper Research, gian lận trong thanh toán số dự kiến gây thiệt hại 130 tỷ USD cho các nhà bán lẻ trên thế giới trong 5 năm tới. Còn khảo sát của Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ và Forrester cho biết, 55% số đáp viên nói thách thức hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán mà các nhà bán lẻ phải đối mặt là gian lận.
Số liệu khác được công bố tại hội nghị cho hay, 5G và IoT giúp tạo ra thế giới “siêu kết nối”, với 25 tỷ thiết bị có thể nói chuyện với nhau vào năm 2021. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nền công nghiệp tội phạm mạng trị giá 600 tỷ USD. Cứ mỗi vụ thất thoát dữ liệu sẽ gây tiêu tốn trung bình 1,2 triệu USD.
Đi cùng 4 cuộc cách mạng công nghiệp, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính cũng “tiến hóa” theo thời gian. Trong “Cách mạng lần thứ nhất”, chúng tập trung vào lừa đảo thư tín. “Cách mạng lần hai” bùng phát đánh cắp và làm giả thẻ ngân hàng. “Cách mạng lần ba”, với công nghệ thông tin phát triển, giúp chúng tấn công và đánh cắp dữ liệu quy mô lớn. Đến “Cách mạng lần bốn”, dữ liệu ngày càng nhiều cũng là con mồi cho nhiều cách thức ‘đánh cắp tiền’ khác nhau.
Sự đổi mới cũng mang hiệu ứng hai chiều. Tội phạm mạng ngày càng tinh vi và phổ biến hơn, buộc ngành công nghiệp thanh toán nghiên cứu những phương thức và giải pháp mới để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, các công nghệ như chip EMV, Tokenization (mã hóa bảo mật tài khoản), Biometric (sinh trắc học), AI và phân tích dữ liệu… đang được kết hợp để đối phó.
Ở Visa, công ty phát triển giải pháp ‘chuẩn chi nâng cao’, sử dụng máy học (Machine Learning) và AI để phân tích hơn 500 thuộc tính rủi ro và phân bổ điểm rủi ro cho mỗi giao dịch. Số điểm này sau đó được chia sẻ với các tổ chức tài chính để họ có thể đưa ra quyết định về việc phê duyệt hay từ chối giao dịch. Ông Joe Cunningham nói nếu dữ liệu được phân tích với các phương thức xác thực như sinh trắc học thì bảo mật trong thanh toán sẽ được tăng cường.
Theo các chuyên gia, bảo mật thanh toán ở Việt Nam cũng cần đi theo 3 xu hướng chung của thế giới là: tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lừa đảo thanh toán trực tiếp cá nhân, tăng các giải pháp bảo mật thanh toán điện tử trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển và gia tăng khả năng ứng dụng công nghệ sinh trắc học.
Cuối tháng 3/2019, Visa công bố Lộ trình an ninh thanh toán Việt Nam, với việc ứng dụng các công nghệ từng bước với thời điểm cụ thể. Các giải pháp này nhìn chung hướng đến việc làm dữ liệu mất giá trị với tội phạm; bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản; xác định những hành vi lừa đảo tiềm ẩn…
Một trong những chuyển động rõ nét ở Việt Nam là việc 7 ngân hàng đầu tiên vừa đồng loạt ra mắt thẻ ghi nợ nội địa (ATM) theo chuẩn chip EMV hồi cuối tháng năm. Động thái này nhằm thực hiện thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về lộ trình trong việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường hiện nay sang công nghệ thẻ chip.
Theo đó, trong năm 2019, các ngân hàng phải chuyển đổi 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip. Đến năm 2021, toàn bộ 75 triệu thẻ ATM được đổi sang thẻ chip. Việc chuyển đổi kỳ vọng giúp Việt Nam thoát ‘vùng trũng’ về tội phạm thẻ.
Tuy nhiên, vấn đề cũng không kém phần ‘đau đầu’ của các ngân hàng là chi phí chuyển đổi. Hiện chi phí chuyển đổi đang rơi vào khoảng 1 USD mỗi thẻ. Trên thị trường, giá mỗi thẻ chip dao động 1,5 – 2,5 USD.
Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán