Home Kinh tế vĩ mô Thế giới hậu USD đang đến?

Thế giới hậu USD đang đến?

0

Các quốc gia nhận thấy đồng tiền tệ của họ suy yếu khi phần còn lại của thế giới không còn tin tưởng rằng quốc gia đó có thể thanh toán các hóa đơn của mình.

Tiền giấy mệnh giá 100 euro (trái) và 100 USD (phải). Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong tháng Tám, khi đồng USD tăng lên các mức cao của gần 20 năm, các nhà phân tích đã sử dụng lập luận “không có giải pháp khác thay thế” để dự đoán về một giai đoạn biến động sắp tới của đồng bạc xanh.

Tờ The Financial Times ngày 28/8 cho rằng những gì đã xảy ra từ hai thập kỷ trước cho thấy đồng USD đã gần đạt đỉnh hơn là có xu hướng tăng thêm.

Tuy nhiên, ngay cả khi chứng khoán Mỹ sụt giảm trong vụ “bong bóng” công nghệ (dotcom), đồng USD vẫn tiếp tục tăng trước khi bước vào đợt suy giảm bắt đầu từ năm 2002 và kéo dài trong sáu năm. Một bước ngoặt tương tự có thể sắp diễn ra. Và lần này, sự sụt giảm của đồng nội tệ Mỹ có thể kéo dài hơn nữa.

Cho dù có được điều chỉnh theo lạm phát hay không, giá trị của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện cao hơn 20% so với xu hướng dài hạn và cao hơn mức đỉnh đạt được hồi năm 2001.

Kể từ những năm 1970, chu kỳ tăng giá điển hình của đồng USD thường kéo dài trong khoảng 7 năm; nhưng sự gia tăng hiện tại đã kéo dài sang năm thứ 11. Sự mất cân bằng cơ bản này được coi là điềm báo xấu cho đồng tiền của nước Mỹ.

Khi thâm hụt tài khoản vãng lai liên tục ở mức trên 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đây là một chỉ báo đáng tin cậy về những rắc rối tài chính sắp xảy ra. Điều tương tự đã được chứng kiến ở các nước phát triển và tập trung ở các quốc gia đang gặp khủng hoảng như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ hiện đã gần chạm ngưỡng 5% GDP, mức thâm hụt này chỉ bị phá vỡ một lần kể từ năm 1960. Điều này cũng xảy ra trong thời kỳ suy thoái của đồng USD sau năm 2001.

Các quốc gia nhận thấy đồng tiền tệ của họ suy yếu khi phần còn lại của thế giới không còn tin tưởng rằng quốc gia đó có thể thanh toán các hóa đơn của mình. Mỹ hiện đang nợ thế giới 18.000 tỷ USD, tương đương 73% GDP của nước này. Trong quá khứ, việc tỷ lệ nợ/GDP vượt xa ngưỡng 50% thường là tín hiệu báo trước về các cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Cuối cùng, các nhà đầu tư có xu hướng rời xa đồng USD khi kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại so với phần còn lại của thế giới. Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ trung bình của các nền kinh tế phát triển khác, nhưng Mỹ hiện đang có xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với các quốc gia khác trong những năm tới.

Nếu đồng USD gần bước vào thời kỳ giảm giá, câu hỏi đặt ra là liệu khoảng thời gian đó có kéo dài đủ lâu và đủ sâu để đe dọa vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền đáng tin cậy nhất thế giới hay không?

Kể từ thế kỷ thứ XV, 5 đế chế toàn cầu gần đây nhất đã phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới – loại tiền thường được các quốc gia khác sử dụng và sự thống trị trung bình kéo dài trong 94 năm. Tuy vậy, đồng USD đến nay đã giữ trạng thái là đồng tiền dự trữ trong hơn 100 năm, vì vậy “triều đại” của đồng bạc xanh đã kéo dài hơn so với hầu hết các đồng tiền dự trữ khác.

Đồng USD đã được củng cố bằng cách khắc phục những điểm yếu của các đối thủ. Đồng euro đã nhiều lần bị sụt giảm trong các cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi đồng nhân dân tệ luôn được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế đang được cải thiện.
Bên cạnh Bộ Tứ tiền tệ lớn – gồm đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật Bản và đồng bảng Anh – là danh mục “các loại tiền tệ khác”, bao gồm đồng đô la Canada (CAD) và đô la Australia (AUD), đồng franc Thụy Sỹ (CHF) và đồng nhân dân tệ. Hiện nhóm này chiếm 10% dự trữ toàn cầu, tăng từ mức 2% vào năm 2001.

Trong khi đó, tỷ trọng dự trữ ngoại hối của đồng USD hiện ở mức 59% – mức thấp nhất kể từ năm 1995. Ngoài ra, các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay có thể mong manh, nhưng đây vẫn là một trong những lựa chọn thay thế lâu dài.

Tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đang chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của Mỹ đối với một thế giới do đồng USD định hướng, nhưng điều này lại là động lực thúc đẩy nhiều quốc gia tăng tốc tìm kiếm các lựa chọn khác. Có thể, bước tiếp theo sẽ không phải là hướng tới một đơn vị tiền tệ dự trữ mà là các khối tiền tệ.

Các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang có xu hướng thanh toán trực tiếp với nhau, tránh sử dụng đồng USD. Malaysia và Singapore là những quốc gia thực hiện thỏa thuận với Trung Quốc, khi nước này đề nghị hỗ trợ bằng đồng nhân dân tệ cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính. Các ngân hàng trung ương từ châu Á đến Trung Đông cũng đang thiết lập các kênh hoán đổi tiền tệ song phương, với ý định giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Ngày nay, giống như trong kỷ nguyên dotcom, đồng USD dường như đang được hưởng lợi từ trạng thái “trú ẩn an toàn” của mình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không vội mua tài sản của Mỹ. Họ đang giảm rủi ro ở mọi nơi và giữ tiền mặt bằng USD.

Đây không phải là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích lạc quan đã đưa ra lý do tương tự để mua cổ phiếu công nghệ ở mức định giá cao nhất gần đây, đó là họ không có giải pháp thay thế nào.

Mặc dù vậy, “không có giải pháp thay thế” chưa bao giờ là một chiến lược đầu tư khả thi, đặc biệt là khi các nguyên tắc cơ bản đang xấu đi.
Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng giới đầu tư đừng bị “lóa mắt” bởi xu hướng đồng USD đang mạnh lên. Thế giới hậu đồng USD có thể đang đến./.

Vân Hải (P/V TTXVN Tại London)

Link nguồn: https://bnews.vn/the-gioi-hau-usd-dang-den/256529.html