Theo Savills Việt Nam, căn hộ trung cấp dẫn đầu thị trường do nhu cầu người dùng tăng cao. Đến năm 2020, hơn 76.600 căn sẽ gia nhập thị trường từ 63 dự án.
Quý 1: Kinh tế ổn định, nhu cầu căn hộ trung cấp tăng cao
Quý 1/2019, trong 18 lĩnh vực thu hút FDI, bất động sản đứng thứ 2. Báo cáo kinh tế xã hội quý 1/2019 của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng trưởng 4,75% so với cùng kỳ.
Đánh giá về thị trường trong 3 tháng đầu năm, nhận định quý còn lại, các chuyên giá cho rằng: Trên đà ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng sẽ có những bước phát triển thuận lợi. Tuy nhiên thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chính sách, quy hoạch, pháp luật, nguồn vốn, quỹ đất…
Theo số liệu nghiên cứu quý 1.2019 của Savills Việt Nam, thị trường căn hộ tại tất cả các phân khúc ghi nhận sự sụt giảm lượng tung bán mới do các hoạt động kinh doanh tạm dừng trong dịp tết Âm lịch. Khoảng 9.700 căn hộ được tung mới ra thị trường, giảm 36% theo quý nhưng tăng 76% theo năm.
Phân khúc căn hộ trung cấp tiếp tục dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với 22.500 căn, tương ứng 65% thị phần. Thị trường căn hộ Hà Nội được hỗ trợ bởi nguồn cầu lớn, trong khi phân khúc cao cấp hấp dẫn với lượng nhỏ tầng lớp giàu có trong nước và người mua nước ngoài.
Nguồn cầu lớn từ người mua để ở và nhà đầu tư dẫn đến khối lượng giao dịch của căn hộ trung cấp lớn, chiếm 70% tổng số giao dịch và tăng cao nhất trong ba phân khúc đạt 99% theo năm. Các chủ đầu tư đưa ra mức giá hấp dẫn, giá bán trung bình căn hộ trung cấp khoảng 1.390 USD/m2, giảm 2% theo quý nhưng tăng 8% theo năm.
Cũng theo Savills Việt Nam, khả năng chi trả chi trả mua nhà của Việt Nam đã được cải thiện trong ba năm vừa qua. Chỉ số giá nhà trên thu nhập giảm từ 34 trong năm 2016 xuống 21 trong năm 2018 do sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu.
TP.HCM: Phân khúc căn hộ trung cấp tiếp tục gia tăng cung cầu
Thị trường nhà ở tại TP.HCM hưởng lợi từ nguồn dân số dồi dào, với 10 triệu người. Trong đó, cơ cấu dân số thế hệ Y (Millennials) chiếm khoảng 40% tổng dân số thành phố và có xu hướng sống độc lập ngày càng cao. Hơn thế, với vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, TP.HCM thu hút một lượng lớn người dân chuyển từ các tỉnh và thành phố lân cận là lao động trẻ có trình độ đến sống và làm việc. Đây là nhóm có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhất là đối với nhà ở trung cấp.
Về nguồn cung phân khúc này hiện đang phát triển khá mạnh, dự kiến sẽ chiếm thị phần áp đảo nguồn cung tương lai trong thời gian tới. Cùng với đó, nguồn cầu vẫn sẽ được thúc đẩy với dự báo tăng trưởng dân số cao, quy mô hộ gia đình thu hẹp, tỷ lệ hộ nhà ở độc thân tăng mạnh, tích lũy của người dân tăng cao. Cán cân cung cầu sẽ khá cân bằng cho phân khúc nhà ở này.
Hiện tại, các quỹ đất liền kề trung tâm TP.HCM được các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài như Vingroup, Khang Điền, Nam Long, Capitaland, Novaland… đầu tư xây dựng dự án, khu đô thị nhằm nắm bắt nhu cầu nhà ở rất cao tại đây. Khu vực quận 2, quận 9, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi đều là những khu vực hấp dẫn đối với cả các chủ đầu tư bởi quỹ đất phát triển dự án còn nhiều, chi phí đất và chi phí phát triển dự án thấp, hạ tầng cải thiện.
Bên cạnh đó, người mua cũng quan tâm vì sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, vị trí dự án có khả năng kết nối tốt đến trung tâm thành phố cũng như liền kề các khu vực đã phát triển các tiện ích công cộng…
Theo Tôn Quyên/ Thương Gia