Home Bất động sản Thị trường căn hộ chung cư vẫn sôi động trong “tháng Ngâu”

Thị trường căn hộ chung cư vẫn sôi động trong “tháng Ngâu”

0

Khác với mọi năm, năm nay, thị trường căn hộ chung cư vẫn sôi động trong tháng 7 âm lịch. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do.

Tạo sự khan hàng, đẩy giá

Theo Tiền Phong, bước vào tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), nhiều dự án chung cư cao cấp ở Hà Nội bỗng dưng chạy quảng cáo thông tin mở bán dự án. Ngoài đột ngột tăng giá cao ngất ngưởng, có những sàn bất động sản, đứng sau là các chủ đầu tư dự án, còn tung chiêu mập mờ thông tin, tạo khan hiếm giả nhằm đẩy giá, khiến người mua lạc vào ma trận.

Tuần cuối của tháng Sáu âm lịch, nhiều dự án chung cư cao cấp đang xây dựng dở dang nhưng vẫn rầm rộ ra tin mở bán các đợt mới với mức giá cao. Có những dự án mở bán đợt đầu gây choáng cho khách hàng khi giá lên tới hơn 80-90 triệu đồng/m2.

Chiêu thức tạo khan hàng diễn ra tại dự án N0 01 T6, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, dự án chung cư cao cấp 25 Lê Văn Lương (Cầu Giấy, Hà Nội) hay dự án chung cư cao cấp tại 16 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội).

Tại dự án Hateco Laroma (Đống Đa, Hà Nội), giá bán cao nhất hơn 85 triệu đồng/m2 và thấp nhất hơn 71 triệu đồng/m2. Nhân viên môi giới cho biết, đây là bảng giá đợt cuối cùng từ chủ đầu tư. Dự án Heritage West Lake (Lạc Long Quân, Tây Hồ) do Công ty Cổ phần CapitaLand – Hiền Đức làm chủ đầu tư, giá căn hộ cũng được đẩy lên 100 – 140 triệu đồng/m2 và cũng gần hết hàng.

Bất động sản - Thị trường căn hộ chung cư vẫn sôi động trong “tháng Ngâu”
Năm nay, thị trường căn hộ chung cư vẫn sôi động trong tháng 7 âm lịch. Ảnh minh họa từ internet

Vượt giá trị thật, khó có người mua

Trả lời VTC News sáng 20/8, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cung là Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – cho biết, ở Hà Nội và Tp.HCM hiện nay không có dự án mới nên rất khan hiếm hàng.

Sự khan hiếm còn do các chủ dự án, đặc biệt các sàn, nhóm nhân viên môi giới muốn đánh đòn tâm lý tạo khan hiếm giả, kích thích người có nhu cầu “mua ngay kẻo hết”.

“Giá chung cư hiện rất cao, nhưng cũng chỉ nằm trong khoảng từ 2,5 – 5 tỷ đồng, và vẫn phù hợp với khả năng của nhiều người, trong khi giá nhà đất tới hơn 10 tỷ đồng thì sản phẩm đó vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động nên rất khó. Do vậy, chung cư là một sản phẩm rất phù hợp nên giá bị đẩy lên cao là điều đương nhiên”, ông Đính nói.

“Trong quan niệm của người xưa không nên mua bán, giao dịch, nhất là nhà đất vào tháng Ngâu, còn bây giờ quan niệm đã thay đổi, mua là được nên người dân cũng tranh thủ tìm hiểu dự án để mua.

Cũng đón được tâm lý này, nhiều môi giới, phòng giao dịch cũng tạo sự khan hàng, đẩy giá thu lời sau thời gian các dự án nhà ở, bất động sản, chung cư “đứng bóng“, ông Đính cho biết thêm.

Cũng theo ông Đính, thời gian tới, nếu Nhà nước không tạo điều kiện để phát triển dự án mới thì hàng càng khan hiếm, giá chung cư sẽ càng bị đẩy lên cao.

“Tất nhiên, mức cao cũng chỉ ở giới hạn nhất định, có thể thanh toán được và gần với giá trị thực, chứ nếu giá ảo nhiều thì người dân, nhà đầu tư cũng phải tính toán lại chứ không xuống tiền mua ngay. Chứ hiện nay với giá từ 40 triệu đồng/m2 trở lên là rất cao, còn nếu cao hơn nữa, chung cư bằng giá nhà đất thì chắc chắn không có người mua”, ông Đính khẳng định.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhận định, xã hội ngày càng phát triển và tư duy của người dân ngày càng phóng khoáng, tân tiến hơn. Đến thời điểm hiện nay, câu chuyện “mua nhà tháng Ngâu” trở nên khác hẳn.

Lượng giao dịch bất động sản “tháng Ngâu” không hề giảm sút, thậm chí, dù mới được gần 1 tuần nhưng nhiều sàn giao dịch còn ghi nhận có sự tăng bởi khách hàng ngày càng nhận thấy những lợi ích khi mua nhà tháng 7 âm lịch.

Theo Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho hay, sự khan hiếm là do các chủ dự án, đặc biệt các sàn, nhóm nhân viên môi giới muốn đánh đòn tâm lý tạo khan hiếm giả, kích thích người có nhu cầu “mua ngay kẻo hết”. “Giá chung cư không thể lên cao được. Nếu hàng không còn thì đừng mời gọi, lôi kéo nhà đầu tư đến xem tạo tâm lý, chiêu trò này khiến người mua mất niềm tin”, vị này nói.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho rằng, do giá đất cùng chi phí xây dựng tăng, kéo theo giá chung cư cao cấp Hà Nội tăng cao.

Báo cáo về thị trường bất động sản quý II/2023 của Colliers Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản căn hộ không ghi nhận nhiều biến động. Vào cuối năm 2023, giá căn hộ được dự báo sẽ tăng từ 4 – 7% so với năm 2022.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, nhận định quan hệ cung – cầu trên thị trường có sự lệch pha từ nhiều năm qua. Nhìn chung nguồn cung còn hạn chế và cần thời gian để có thể tăng, trong khi nhu cầu dự báo đã và sẽ sớm tăng trở lại. Sự lệch pha này đã góp phần đẩy giá bất động sản lên cao thời gian qua và trong trung hạn, khiến người dân, người có nhu cầu thực khó mua được nhà ở với mức giá hợp lý.

Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản quý II/2023 cho thấy, căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có trên thị trường. CBRE cho biết, trong quý II/2023, Hà Nội chỉ có 9 dự án chung cư mở bán mới, trong đó có 2 dự án mở bán lần đầu, 7 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.

Đào Vũ (T/h)

Link nguồn