Sau tuần hồi phục nhẹ trước đó, thị trường chứng khoán lại có sự điều chỉnh trong tuần qua. Thanh khoản cũng liên tục sụt giảm khiến VN-Index đóng cửa ở 1.020,34 điểm, giảm -32.14 điểm (-3.05%) so với đóng cửa tuần trước.
VN-Index ghi nhận sự rung lắc điều chỉnh trong tuần vừa qua với áp lực bán liên tục gia tăng mạnh vào những ngày đầu tuần khiến chỉ số chung liên tục mất điểm. Thị trường điều chỉnh khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm.
Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 7,5% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu thuộc ngành con tài nguyên cơ bản như HPG (-10%), HSG (-12,6%), NKG (-12,1%)… và ngành con hóa chất như DGC (-9,4%), DCM (-3,8%), CSV (-10,1%)…
Cổ phiếu ngành công nghiệp giảm mạnh thứ hai với 5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của các doanh nghiệp thuộc ngành con vật liệu và xây dựng như VCG (-13,8%), VGC (-13,9%), HUT (-15,4%), LCG (-11,7%), HBC (-11,8%), L14 (-20,8%)…
Ngành tài chính giảm 4,3% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như NVL (-17%), PDR (-10%), HPX (-19,7%), VIC (-5,7%)… đều giảm. Ngành con chứng khoán cũng giảm với SSI (-10,7%), HCM (-8,4%), VND (-12,8%), VCI (-11,5%), FTS (-13,8%)…
Cổ phiếu tiện dịch vụ tiêu dùng giảm 4,4% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ như MWG (-4,3%), PNJ (-3,8%), DGW (-12,2%)…; ngành con hàng không như VJC (-1,3%), HVN (-10,3%)…
Các nhóm ngành còn lại đều suy giảm như tiện ích cộng đồng (-2,8%), ngân hàng (-1,4%), dược phẩm và y tế (-1,2%), dầu khí (-0,8%), hàng tiêu dùng (-0,6%), công nghệ thông tin (-0,2%)…
Theo Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trái ngược với tâm lý thận trọng của khối nội, lực cầu của khối ngoại được duy trì gần nnhư xuyên suốt tuần và chỉ bán mạnh vào phiên thứ 5. Trong phiên cuối tuần, đà mua ròng của khối ngoại quay trở lại với thanh khoản 235 tỷ, tập trung mua HPG, PVD…
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 0,67 điểm cho thấy các trader đang kỳ vọng thị trường có thể sớm hồi phục trở lại.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 32,14 điểm (-3,1%) xuống 1.020,34 điểm, HNX-Index giảm 7,69 điểm (-3,6%) xuống 205,3 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 1,8% so với tuần trước đó xuống 69.833 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,4% lên 4.012 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 9,5% xuống 6.245 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,7% xuống 449 triệu cổ phiếu.
Theo SHS, thời điểm kết thúc năm tài chính 2022 đang đến, nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước sẽ có những động thái cơ cấu danh mục để chốt số liệu 2022 và chuẩn bị cho năm tài chính tiếp theo. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới biến động thị trường trong những phiên giao dịch cuối năm.
Do đó, các chuyên gia SHS cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn hoàn toàn có thể tận dụng đợt điều chỉnh này để mua vào đón đầu đợt tăng giá mới. Đối với danh mục trung, dài hạn, các giai đoạn điều chỉnh trong sóng hồi phục như hiện tại vẫn là cơ hội giải ngân vào các cổ phiếu tiềm năng cơ bản tốt, tăng trưởng ổn định và bắt đầu có bứt phá vượt đỉnh.
Với diễn biến hiện tại khi thanh khoản đã xuống mức thấp, VN-Index sẽ rung lắc cũng như có thể có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành để tìm điểm cân bằng trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm mới.
Chuyên gia của VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chỉ giải ngân khi thanh khoản mua chủ động quay trở lại rõ ràng xét trên từng cổ phiếu riêng lẻ – đặc biệt là những cổ phiếu đã ổn định được mặt bằng giá và giữ được trạng thái tích lũy trong nhiều phiên liền trước như ngân hàng, chứng khoán.
Nguyễn Luận