Thị trường được hỗ trợ bởi những chính sách của Chính phủ và NHNN, cộng với sự đồng pha hồi phục cùng các TTCK thế giới, TTCK Việt Nam sẽ có sự hồi phục tích cực.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (HoSE: MAS) có báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm 2023. Theo đó, đội ngũ phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang đồng pha với thế giới và trên đà hồi phục.
Báo cáo cho biết, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi kể từ giữa tháng 11/2022, với mức định giá P/E của thị trường đã được đẩy lên gần ngưỡng trung bình 5 năm là 17,7 lần.
Mirae Asset giữ nguyên kỳ vọng trong các báo cáo trước là P/E của thị trường sẽ tiếp tục hướng về ngưỡng trung bình 5 năm. Nhóm phân tích cũng kỳ vọng tăng trưởng EPS sẽ phục hồi theo hình chữ U, sau khi quý I và quý II đã giảm 23% và 21% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng đang được hỗ trợ bởi những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay. Cộng với sự đồng pha hồi phục cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, mặc dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm chỉ đạt 3,72%. Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư.
TTCK Việt Nam hiện đang có mức tăng vượt trội hơn trong tháng 7, tăng 9,2% so với tháng 6/2023 và là tháng thứ 3 tăng điểm liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong các thị trường tăng điểm tốt nhất với mức tăng hơn 20%.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang thúc đẩy thị trường tăng bứt phá. Số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên mỗi 100.000 tài khoản/tháng, trong đó tháng 7 là hơn 150.000 tài khoản, tháng 6 là 146.000, và tháng 5 là 105.000.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE cũng ghi nhận tháng thứ 4 cải thiện liên tiếp. Trong đó, tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.
Ngoài ra, Mirae Asset cũng kỳ vọng mức tăng trưởng của hầu hết các ngành đều có sự khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hồi phục; các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các chính sách hỗ trợ.
Bàn về chính sách, Chính phủ đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng còn lại đang suy yếu.
Theo Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm đạt 35,5% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 37,9%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (34,5%).
Theo tính toán của MAS, để đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, bình quân 6 tháng còn lại phải giải ngân mỗi tháng ít nhất từ 67.000 – 73.000 tỷ đồng (gấp 1,3 – 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân trong 5 tháng trước đó). Như vậy, áp lực giải ngân đầu tư công vẫn còn rất lớn cho những tháng cuối năm.
Còn về lạm phát, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và duy trì dưới mức CPI mục tiêu 4,5%, dư địa chính sách trong việc điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Trong nửa cuối 2023, lạm phát có thể sẽ chịu áp lực bởi giá điện tăng 3% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành kể từ tháng 5/2023; giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại; hiện tượng El Niño có thể ảnh hưởng xấu tới nguồn cung thực phẩm; giá gạo tăng do lo ngại nguồn cung gạo khi Ấn Độ cấm xuất khẩu có thể một phần gây áp lực lên lạm phát.
Phạm Hồng Nhung