Home Chứng khoán Thị trường chứng khoán tuần tới: Khả năng VN-Index vào sóng điều...

Thị trường chứng khoán tuần tới: Khả năng VN-Index vào sóng điều chỉnh

0

Thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh xuống sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên ngày 10/6 và mục tiêu của sóng điều chỉnh theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.130 điểm.

Sắc đỏ gần như bao trùm bảng điện tử trong các phiên điều chỉnh của tuần qua. (Ảnh minh họa:Vietnam+)

Tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến đà giảm sâu của VN-Index khi lui về vùng 1.200 điểm. Bên cạnh đó, mức thanh khoản đạt trung bình xấp xỉ 16.000 tỷ mỗi phiên cho thấy dòng tiền vào thị trường rất thận trọng.

Cụ thể, VN-Index đã giảm tổng cộng 66,78 điểm trong cả tuần (-5,2%) và xuống 1.217,3 điểm. Trong bối cảnh tương tự, HNX-Index cũng mất 26,38 điểm (-8,6%) và lùi về 280,06 điểm.

Nhóm trụ cột giảm mạnh

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), cho biết nhìn chung tâm lý nhà đầu tư đã có những phản ứng tiêu cực trước thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của chứng khoán thế giới, khiến sắc đỏ gần như bao trùm bảng điện tử trong các phiên vừa qua.

Cụ thể, thị trường chứng khoán ghi nhận VN-Index giảm điểm với 3/5 phiên giao dịch trong tuần, chỉ số đã giảm sâu trong các phiên đi xuống (đều trên 1%), sau đó có hồi phục trong 2 phiên song khá yếu.

Về diễn biến thị trường, ông Thắng chỉ ra nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng đã lội ngược xu thế chung và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần với 8% giá trị vốn hóa, nhờ đà đi lên của trụ cột trong ngành điện, nước, xăng dầu, khí đốt, như REE (+9,9%), TDM (+5,2%), BWE (+1,7%), GAS (+12,9%), POW (+7,3%)…

Mặc dù cũng chốt tuần trong “sắc xanh” nhưng nhóm thứ hai có khoảng cách rất xa, cụ thể là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 0,4% giá trị vốn hóa, dựa vào đà tăng của mã trụ cột FPT (+1,2%).

Giá trị giao dịch theo ngành trong tuần:

(Nguồn: SHS)

Còn lại, các nhóm ngành đều mang lại sự thất vọng cho cổ đông với những mức giảm tương đối tiêu cực. Trong số đó, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu lao dốc mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa do có sự sụt giảm của nhóm ngành tài nguyên cơ bản, đại diện là các mã HPG (-8,9%), HSG (-26,8%), NKG (-23,9%)…

Kế đến, nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng cũng “lùi bước” 7,9% đồng thời tạo ra áp lực lớn lên điểm số chung của thị trường, cụ thể mã VCB (-2,1%), BID (-6,5%), CTG (-13,1%), TCB (-9,1%), VPB (-9,7%), MBB (-15,3%), ACB (-8,3%), SHB (-9,4%)…

Bên cạnh đó, những nhóm ngành khác cũng rơi vào tình huống tương tự, như nhóm ngành công nghiệp (-7,3%), tài chính (-6,8%), dầu khí (-6,2%), dược phẩm và y tế (-4,7%), hàng tiêu dùng (-3,1%), dịch vụ tiêu dùng (-2,6%).

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, ông Thắng cho hay khối ngoại tiếp tục mua ròng trong những phiên các nhà đầu tư trong nước bán ra. Trong cả tuần, nhóm nhà đầu tư này đã mua với giá trị ròng 779 tỷ đồng trên hai sàn, tương ứng khối lượng ròng 2,2 triệu cổ phiếu. Cụ thể, mã STB được mua ròng nhiều nhất với 7 triệu cổ phiếu, tiếp theo là DXG với 5,6 triệu cổ phiếu và HDB là 3,9 triệu cổ phiếu. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tại FUEVFVND với 7,3 triệu chứng chỉ quỹ.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 13 đến 18 điểm, ông Thắng cho rằng chỉ báo này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh xuống.

Giá trị giao dịch ròng theo loại hình nhà đầu tư trong 5 tuần qua:

(Nguồn: SHS) – Đơn vị: Tỷ đồng

Phản ứng tiêu cực

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có chung nhận định tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư là khá tiêu cực trước những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới.

Báo cáo của VCBS cũng chỉ ra thị trường chứng khoán đang có những nhịp điều chỉnh mạnh kể từ đầu năm 2022 đến nay, đi cùng với đó thanh khoản cũng lùi về ngưỡng khá thấp.

Hiện mức thanh khoản bình quân phiên trên sàn HoSE có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên (trong tháng Năm) và thấp nhất kể từ tháng 2/2021 (mức thanh khoản trung bình trong năm ngoái đạt gần 22.000 tỷ đồng/phiên).

Nhóm phân tích của VCBS chỉ ra những diễn biến trong giai đoạn sôi động trước đó (trong hai tháng cuối năm 2021), thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên ghi nhận mức thanh khoản đạt 30.000-40.000 tỷ đồng. Theo VCBS, điều này cho thấy lượng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán đến thời điểm này là khá nhiều.

“Việc các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán không còn dồi dào như trước. Bởi từ trước đến nay, dòng vốn trên thị trường bất động sản thường có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường chứng khoán. Do đó, một bên gặp khó khăn thì bên còn lại cũng khó có thể ghi nhận diễn biến tích cực,” nhóm phân tích VCBS chỉ ra.

Đánh giá chung, ông Thắng cho biết VN-Index và VN30 ghi nhận thêm một tuần giảm mạnh với mức giảm cùng trên 5%. Điểm đáng chú ý, thanh khoản trong tuần qua bắt đầu nhích lên và đã vượt mức trung bình 20 tuần gần nhất trên chỉ số VN30, điều này cho thấy áp lực bán thực sự mạnh.

Lượng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán đến thời điểm này là khá nhiều. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Nguyên nhân được vị chuyên gia chỉ ra là trong tuần qua có một số sự kiện ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế, tiêu biểu như quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất thêm 0,75% lên mức 1,5%-1,75%, nhằm kiềm chế lạm phát.

“Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trong nước đến thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng Sáu với cách tính giá thanh toán cuối cùng mới, cộng thêm phiên cuối tuần cũng là thời điểm mà các quỹ ETF tiến hành tái cơ cấu danh mục, do vậy cung-cầu trên thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng,” ông Thắng nói.

Trên góc độ kỹ thuật, ông Thắng phân tích VN-Index đã bước vào sóng điều chỉnh xuống sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên ngày 10/6. Theo lý thuyết sóng elliott, mục tiêu của sóng điều chỉnh là quanh ngưỡng 1.130 điểm.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng đây cũng là thời điểm để bên mua chủ động quan sát, khi lực cung suy yếu sẽ không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm (sau khi đã kiểm tra thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên ngày 15/6 và 17/6).

Hơn nữa, ông Thắng cho biết định giá của thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với khoảng 13 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30.

Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm 2022, ông Thắng đánh giá đây là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn.

Về ngắn hạn, báo cáo của VCBS đưa ra cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường và hạn chế bắt đáy, ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt như điện, nước, dịch vụ thiết yếu và chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn để cân nhắc gia tăng trở lại tỷ trọng cổ phiếu.

Hạnh Nguyễn

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-toi-kha-nang-vnindex-vao-song-dieu-chinh/799417.vnp