Tp.HCM đang thực hiện các bước đi chiến lược nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao, không chỉ bằng số lượng mà còn bằng giá trị gia tăng và tính bền vững.
Số lượng nhà đầu tư FDI tăng nhưng thiếu chất lượng
Chia sẻ với Người Đưa Tin bà Mai Phong Lan, Phó Trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, tính đến tháng 7 năm 2024, Tp.HCM đã thu hút 13.015 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 58,080 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc tập trung vào số lượng đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện tại. Nền kinh tế đang yêu cầu sự chuyển mình sang việc thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao và công nghệ tiên tiến. Tp.HCM đang tích cực triển khai các chính sách và kế hoạch để đáp ứng nhu cầu này, phù hợp với các nghị quyết của Chính phủ.
Theo đại diện Sở KH&ĐT, địa phương này đã ban hành các kế hoạch và đề án để nâng cao hiệu quả thu hút FDI giai đoạn 2023-2025, với tầm nhìn đến năm 2030. Các kế hoạch này tập trung vào việc thu hút đầu tư xanh, phát triển bền vững, và ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Tp.HCM cũng đang triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy hệ thống điện áp mái và điện mặt trời, và phát triển Cần Giờ thành trung tâm chuyển đổi xanh. Những chính sách này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư chiến lược mà còn góp phần vào phát triển bền vững của thành phố.
Tuy nhiên, bà Mai Phong Lan thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù Tp.HCM đã có nhiều chính sách và kế hoạch để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, nhưng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.
Một trong những vấn đề lớn là việc lũy kế giải ngân vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, chỉ đạt khoảng 46% tổng vốn đăng ký. Các đối tác đầu tư từ khu vực công nghệ nguồn như EU và Mỹ còn hạn chế, trong khi các nhà đầu tư từ châu Á thường có trình độ công nghệ ở mức trung bình.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chuyển giao công nghệ chủ yếu diễn ra theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp, ít có những thay đổi đáng kể về trình độ công nghệ. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước chủ yếu chỉ tham gia vào các công đoạn gia công, có giá trị gia tăng thấp và khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo bà Mai Phong Lan, trong thời gian tới, Tp.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các Đề án như xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tp.HCM đặt mục tiêu phát triển các nền tảng vững chắc cho một trung tâm tài chính quốc gia và trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, việc xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tp.HCM sẽ tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Cần nhiều giải pháp để thu hút và “giữ chân” nhà đầu tư
Theo Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Tp.HCM cần nhiều giải pháp gì để thu hút đầu tư FDI hiệu quả và để “giữ chân” nhà đầu tư. Theo ông Hiếu, đầu tư dưới hình thức FDI ngày càng tăng mạnh và trở thành một nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI tùy thuộc vào sự đánh giá của nhà đầu tư về điều kiện kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, quy định pháp luật của Việt Nam về đầu tư, “khẩu vị” rủi ro của nhà đầu tư, biến động của tỷ giá và các biến động khác trên thị trường tài chính.
Về phía Việt Nam, việc cải thiện môi trường kinh doanh và các điều kiện cho nhà đầu tư là những yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư.
Ông Hiếu phân tích: “Tôi được biết, hiện nay, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp phải các thủ tục còn rườm rà như: thủ tục hành chính rườm rà bao gồm các thủ tục nhập cảnh, giấy phép cư trú, mở tài khoản với ngân hàng và sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Những rắc rối này tạo khó khăn cho kiều bào và doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam”.
Ông Hiếu cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam đầu tư, họ cũng cần vị trí thuận lợi để làm trụ sở, cơ sở để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn liên quan vấn đề mua bất động sản.
Để thu hút và “giữ chân” được các nhà đầu tư nước ngoài, những rào cản về chính sách pháp luật cũng cần sớm tháo gỡ. Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Trương Văn Tài, Giám đốc Công ty Luật TNHH Talent, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, Luật Đầu tư 2020 tuy đã có nhiều quy định mới về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Đầu tư 2020 vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.
Các chính sách ưu đãi đầu tư còn dàn trải, mặc dù trong giai đoạn qua, Việt Nam chưa hình thành chính sách ưu đãi riêng, có “tâm điểm” để tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các lĩnh vực khuyến khích được nhấn mạnh chủ yếu vào bề rộng (nhiều ngành nghề), chưa đi vào chiều sâu (các ngành công nghệ cao, tỷ suất lợi nhuận lớn, ít hao tốn tài nguyên, thân thiện với môi trường).
Bên cạnh đó, các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế “xin – cho”. Một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng chưa có quy định về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi.
Từ thực tiễn như trên, luật sư Nguyễn Trương Văn Tài cho rằng, cần thiết phải tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này, có thể đạt được bằng cách sửa đổi Điều 22 Luật Đầu tư 2020, bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư FDI phải có dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Điều này sẽ loại bỏ các rào cản về thủ tục và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, cần nghiên cứu những chính sách thu hút đầu tư thế hệ mới, khai thác các lợi thế cạnh tranh mới, trong đó có những chính sách ưu đãi đặc thù để thúc đẩy đầu tư trong những lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch…
Đồng thời, xem xét sửa đổi các luật thuế để đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mới mà các nước đang triển khai áp dụng, như: ưu đãi dựa trên chi phí, tăng ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tăng thời gian hưởng ưu đãi tiền thuê đất,…
Theo luật sư Nguyễn Trương Văn Tài, hiện chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt chưa đủ hấp dẫn để thu hút các dự án quy mô lớn, chưa có chính sách ưu đãi đặc thù để thúc đẩy đầu tư trong những lĩnh vực quan trọng, như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng sạch,…Bên cạnh đó, đối với những ngành nghề chưa quy định trong Cam kết số 318/WTO/CK của Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dịch vụ thì phải xin ý kiến của các Bộ và cơ quan chuyên ngành có liên quan. Điều này dẫn đến một số ngành nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa được quy định rõ ràng, minh bạch, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư. |