Để tránh những ảnh hưởng của các ứng dụng công nghệ mới đối với giáo dục, nhà quản lý cần phải có những đánh giá chính xác những tác động của chúng.
Tại phiên thảo luận trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại toạ đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo – lợi ích và thách thức đối với giáo dục” được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 13/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có những đánh giá chung về tác động của công nghệ đến giáo dục hiện nay.
Tránh gây bất bình đẳng giáo dục
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng công nghệ dần dần làm thay chúng ta trong một số việc như xử lý, chia sẻ dữ liệu và bắt đầu một phần giúp tổng hợp chia sẻ kiến thức.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn bày tỏ: “Có thể ở đâu đó chúng ta mong chờ trí tuệ nhân tạo làm được đúng như cái tên của nó. Đáng lẽ hiện nay chỉ gọi là kiến thức nhân tạo thôi, chứ còn đến trí tuệ nhân tạo mức cao nhất chắc là còn con đường dài. Chúng ta không nghĩ nó làm được tất cả thay con người”.
Với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy, với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đây là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hai hướng như vậy.
Thứ trưởng nhấn mạnh đây là một cơ hội rất lớn cần phải có những chính sách kịp thời. Để nắm bắt thời cơ, cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
Trước hai làn sóng hiện nay về việc nên hay không cho phép sử dụng ChatGPT vào trong trường học, đặc biệt là cách thức quản lý những phần mềm mới trong lĩnh vực giáo dục ông Hoàng Minh Sơn nhận định: “Cần phải nghiên cứu kỹ những vấn đề của công cụ ChatGPT trên cơ sở đó các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xem xét cái gì cần phải và không phải quản lý”.
Và đặc biệt cần có những nghiên cứu để tránh gây bất bình đẳng trong giáo dục. Bởi theo Thứ trưởng nếu có những chính sách tốt chúng ta có thể tận dụng công nghệ để học sinh vùng sâu, vùng xa có công cụ để tiếp cận giáo dục chất lượng cao. Nhưng nếu làm không tốt sẽ vô tình làm tăng khoảng cách giữa các em.
Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức
Ở góc độ người dạy, các chuyên gia tại toạ đàm cũng đưa ra quan điểm cần nhanh chóng có sự thay đổi để bắt kịp sự phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay.
PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Truờng đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng giờ đây công nghệ AI giá rẻ đã xuất hiện để cộng đồng có thể sử dụng. Và đây cũng là cơ hội giải phóng cho giáo viên khỏi những công việc lặp lại mang tính thủ tục, giúp cho chúng ta chuyển đổi triệt để hơn từ dạy ứng dụng sang dạy năng lực.
“Nếu dùng ChatGPT hợp lý sẽ tạo ra những tài liệu học tập cho từng cá nhân phù hợp với sở thích, nhu cầu của học sinh.
Tuy nhiên, nguy cơ ảnh hưởng đến người dùng đó là thông tin sai lệch và bị thu thập và chia sẻ thông tin các nhân. Vì vậy bất cứ công nghệ nào cũng không thể thay vai trò của thầy cô”, ông Trần Thành Nam bày tỏ.
Vậy vai trò của người thầy có sự thay đổi như thế nào ? Trả lời cho câu hỏi này ông Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “ChatGPT tạo ra yêu cầu thay đổi đồng bộ đối với những người làm giáo dục, đặc biệt là giảng viên. Nếu như vẫn bám theo cách thức cũ với lượng kiến thức đơn lẻ sẽ không mang lại hiệu quả.
Trong giai đoạn hiện nay, học sinh có nhiều cách để tiếp thu kiến thức, thậm chí vượt qua thầy về kiến thức vì vậy, vai trò của người thầy sẽ chuyển sang dẫn dắt và định hướng”.
Thầy cô giáo phải tự thay đổi, tiếp thu những ưu điểm của công nghệ để mang vào bài giảng, đa dạng hoá cách truyền tải kiến thức.
“Chúng ta không nên quá quan ngại vì ở thời điểm hiện nay ChatGPT chưa thể viết luận văn, luận án, làm công trình nghiên cứu thay con người. Nhưng dù vậy không có nghĩa con người không tiếp thu kỹ năng mới để làm chủ công nghệ”, ông Hoàng Anh Tuấn đánh giá.
Nguyễn Hoa Trà