Các mặt hàng thủy sản rớt giá trong khi giá cả nguyên vật liệu cứ cách vài tháng lại điều chỉnh tăng nên việc sản xuất thủy sản đành phải “treo ao”.
Giá bán giảm, người nuôi cầm chừng
Giữa tháng 8, ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, giá tôm nguyên liệu liên tục rớt giá trong 3 tháng qua. Trong khi đó, theo các hộ nuôi tôm, ngoài việc giá vật tư đầu vào tiếp tục tăng thì vụ tôm đầu năm nay cũng rất khó nuôi.
Ông Trần Văn Tân, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay tuy tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh hơn so với những vụ nuôi trước, nhưng do độ mặn thấp nên tôm nuôi chậm lớn. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng trong khi giá tôm lại đi xuống nên dù nuôi thành công nhiều hộ vẫn không có lãi, thậm chí tính ra còn lỗ tiền công”.
Đối với bà con nuôi tôm, việc ngừng nuôi, “treo ao” đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập chính của gia đình sẽ bị cắt đứt. Chính vì vậy, nhiều hộ chọn cách nuôi cầm chừng hoặc chuyển từ nuôi thẻ chân trắng sang nuôi tôm sú để giảm bớt chi phí, kéo dài thời gian chờ giá tôm thẻ phục hồi.
Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên phát triển kinh tế vươn lên khá giả, thế nhưng thời điểm này, nhiều người thua lỗ phải tìm kế sinh nhai khác.
Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ theo kích cỡ đặt hàng của nhà máy. Hơn nữa phải tăng cường tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để mua chung, bán chung mới có thể vững chân được trên thị trường. Hiện nay, tình hình giá cả thị trường đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất, từ đó có thể cạnh tranh với thị trường thế giới”.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cũng khẳng định, ở mức giá 26.000-27.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu, người nuôi chịu lỗ khoảng 1.000-2.000 đồng/kg khi xuất bán.
Giá cá giống cũng giảm sâu là minh chứng người nuôi khó khăn, “treo ao” nhiều vì theo quy luật, nếu người nuôi đồng loạt thả nuôi sau khi xuất bán hàng, giá cá tra giống sẽ ổn định hoặc tăng. Ông Quốc cho biết, hiện khoảng 70 diện tích ao nuôi có liên kết với doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, xuất khẩu gặp khó khăn nên tồn kho lớn.
“Nguồn vốn mắc kẹt trong kho lạnh nên khó mua tiếp cá nguyên liệu, giá càng giảm sâu hơn. Nếu không có nguồn vốn để duy trì thả nuôi, khi thị trường cần chúng ta sẽ không có nguồn nguyên liệu”, ông Quốc nói.
Biến động kim ngạch xuất khẩu
Thống kê sơ bộ cho thấy, dù xuất khẩu thủy sản tháng 7/2023 hồi phục so với những tháng trước đó, nhưng chỉ đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm sâu nhất ở mức 36%, mặt hàng tôm cũng ghi nhận mức giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, top 8 khách hàng lớn nhất đều giảm mua các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Anh giảm nhẹ nhất 3%, giảm mạnh nhất ghi nhận ở thị trường Mỹ và Hà Lan lần lượt ở mức 46% và 43%. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Thái Lan đều giảm từ 11-23%.
Riêng tháng 7 vừa qua, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc khi ghi nhận mức tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, theo kịch bản khả quan, năm nay xuất khẩu tôm dự báo thu về khoảng 3,5-3,6 tỷ USD, giảm 16-18% so với năm 2022; cá tra giảm 28% đạt 1,7-1,8 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm.
Thứ nhất, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại, lượng tồn kho vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Thứ hai, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.
Cuối cùng, các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh hơn so với các nước khác.
“Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3,5 – 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công”, ông Hòe đúc kết.
Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu vẫn giảm mạnh, trong khi sản lượng cá tra tính đến hết tháng 7 năm nay ước đạt 922,3 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tôm đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 4%.
Việc xuất khẩu giảm còn sản lượng nuôi trồng lại tăng khiến nguồn cung dồi dào kéo giá tôm và cá tra giảm sâu. Đặc biệt, giá tôm liên tiếp sụt giảm do đang vào mùa vụ nuôi chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước khác như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, trong khi xuất khẩu bị đình trệ.
Cụ thể, giá cá tra size 800g-1 kg/con dao động trong khoảng 26.500-27.500 đồng/kg. Lượng đánh bắt của các công ty lớn ở mức thấp. Hoạt động thu mua cá nguyên liệu trên thị trường suy yếu nên giá cá giống tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg, giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với tháng 6/2023.
Tương tự, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 7/2023 tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg giảm 22.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm về mức 67.000 đồng/kg.
Nguyễn Thành Nhân