Home Ấn tượng 24H Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp FDI ngành dược

Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp FDI ngành dược

0

Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp FDI ngành dược

Cùng với tiến trình hội nhập, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những chuyển biến tiến bộ phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế đất nước và các cam kết, thông lệ quốc tế.

Ngày 06/04/2016, Quốc hội ban hành Luật Dược (luật có hiệu lực thi hành từ 1/01/2017), đánh dấu bước phát triển cơ bản trong quản lý sản xuất, kinh doanh, phân phối dược phẩm tại Việt Nam, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dược, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Ngày 8/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dược, nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Bộ Y tế đã soạn thảo thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 liên quan đến các đơn vị nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối dược phẩm, dự thảo văn bản  này đang được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số nội dung gây tranh cãi trong đó có ba nội dung cơ bản:

Thứ nhất, các đơn vị được quyền nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối thuốc tại Việt Nam không được vận chuyển, bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam (khoản 10 điều 91 nghị định 54)

Thứ hai, các đơn vị được quyền nhập khẩu thuốc không được sử dụng dịch vụ vận chuyển, bảo quản thuốc của bên thứ ba mà phải tự đầu tư kho chứa, bảo quản và vận chuyển của riêng mình.

Thứ ba, giải pháp nào cho một số doanh nghiệp FDI đã được cấp phép, đang hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển bảo quản thuốc tại Việt Nam.

Về nội dung thứ nhất, đại diện hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Amcham và một số luật sư cho rằng theo các văn bản của GATS và nghị định 23/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật thương mại, “phân phối là các hoạt động bán buôn, bán lẻ đại lý mua bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại”, do vậy dịch vụ vận chuyển, kho bãi, bảo quản (dịch vụ logistics) không nằm trong phạm trù phân phối.

Song đại diện cơ quan soạn thảo và một số chuyên gia cho rằng trong biểu cam kết WTO, Việt Nam chưa cam kết mở cửa dịch vụ phân phối đối với dược phẩm. Như vậy xét về nguyên tắc, nếu chưa được mở cửa thì doanh nghiệp FDI chưa được tham gia các hoạt động được quy định cho phân phối, trong đó có dịch vụ vận chuyển, bảo quản lưu kho gắn với việc bán lại.

Chúng tôi cho rằng quy định trong khoản 10 nghị định 54 là phù hợp và không vi phạm các cam kết của Việt Nam trong WTO. Hơn nữa, để thực hiện hoạt động phân phối: bán buôn, bán lẻ và đại lý hàng hóa chắc chắn phải bao hàm hoạt động vận chuyển, lưu kho và bảo quản, như vậy Nghị định 23/2017/NĐ-CP trong định nghĩa hoạt động phân phối không có sự mâu thuẫn mà cần được hiểu là trong đó có hoạt động logistics.

Dịch vụ logistics là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Gần đây nhất, ngày 30/12/2017, chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có hiệu lực từ ngày 02/02/2018. Trong khoản 3 điều 4 “Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics”, nêu rõ nhà đầu tư nước ngoài chỉ được góp vốn, mua cổ phần tối đa 51%, “Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%.”.

Như vậy, các doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài về cơ bản không được phép kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Về nội dung thứ hai, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Amcham khi không nên diễn giải khoản 2b điều 32 Nghi định 54 theo cách các đơn vị nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải tự xây dựng kho, bảo quản và vận chuyển cho riêng mình mà không được sử dụng dịch vụ trên của các đơn vị khác. Chúng tôi hiểu rằng, quy định như vậy sẽ không phù hợp với xu thế phát triển theo hướng chuyên môn hóa sâu, tạo điều kiện phát triển công nghệ ký thuật và quản lý, kinh tế chia sẻ, tránh sự manh mún và lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về nội dung thứ ba, trong khi hai nội dung trên còn chưa tìm được tiếng nói chung, một vấn đề tồn tại đang gây sự quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực kinh doanh thuốc, đó là hiện nay có một số doanh nghiệp FĐI đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển, lưu kho, bảo quản thuốc, các doanh nghiệp này đã và đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần khoảng 60% thuốc nhập khẩu vào Việt Nam, đa số khách hàng của họ là các nhà nhập khẩu thuốc nước ngoài. Nếu chiểu theo các quy định hiện hành của Việt Nam và các nội dung của nghị định 54/2017/NĐ-CP cũng như nghị định163/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp trên sẽ không được tiếp tục hoạt động.

Kinh doanh thuốc là mặt hàng đặc thù, trong WTO, Việt Nam chưa cam kết mở cửa dịch vụ phân phối đối với dược phẩm, như vậy, xét về nguyên tắc nếu chưa được mở cửa thì doanh nghiệp FDI chưa được tham gia các hoạt động được quy định cho phân phối, trong đó có dịch vụ vận chuyển, bảo quản, lưu kho gắn với việc bán lại.

Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục bảo lưu quyền phân phối thuốc cho các doanh nghiệp Việt nhằm tiếp tục bảo hộ ngành dược trong nước, các doanh nghiệp FDI không được quyền phân phối thuốc ở Việt Nam, điều đó phù hợp với WTO và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm đảm bảo an ninh y tế, sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội.

Song xét về đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khi đưa ra năm nguyên tắc: (1)Đảm bảo quyền kinh doanh cho các hình thức sở hữu của doanh nghiệp tại Việt Nam; (2) tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước; (3) bảo đảm công khai minh bạch; (4) bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; (5) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản cũng như phù hợp các quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dược Việt Nam, cũng cho rằng liên quan đến vấn đề lợi ích nên có sự thống nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe để ra phán quyết công bằng, không làm tổn hại đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Cũng theo ông Chính, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phân phối và bảo quản thuốc đang ngày càng lớn mạnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại, dần có đủ điều kiện để cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang xúc tiến ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU sau khi kết thúc đàm phán từ 01/12/ 2015. Theo thỏa thuận mới nhất, hiệp định này được tách thành hai hiệp định đầu tư và thương mại và sẽ được ký kết khi có sự phê duyệt của hội đồng châu Âu và 28 quốc hội của 28 quốc gia trong liên minh châu Âu. Việc đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định và không ngừng được cải thiện là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ.

Những giải pháp được đề xuất

1.  Đối với các doanh nghiệp FDI đã được cấp phép và đang hoạt động cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu kho, bảo quản thuốc tại Việt Nam, họ đã đầu tư hệ thống nhà kho, trang thiết bị và cung cấp dịch vụ nhiều năm qua, nếu đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách bảo hộ đầu tư, do vậy các doanh nghiệp này không nên bị điều chỉnh bởi khoản 10c điều 91 nghị định 54/2017/NĐ-CP mà vẫn được tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt trẽ và có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các sai phạm.

2.  Như đã nêu ở phần trên, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc có quyền lựa chọn tự vận chuyển, lưu kho và bảo quản thuốc hoặc sử dụng dịch vụ hợp pháp của các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này.

3.  Cần có chính sách và giải pháp tăng cường liên doanh liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuẩn bị tốt nhất tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sáng chế, sản xuất, kinh doanh, phân phối thuốc để dần rút ngắn thời gian bảo hộ.

Ông Nguyễn Văn Toàn,Chủ tịch Vafie

Theo Vietnamfinance