Home Kinh tế vĩ mô Tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 25% so với dư...

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế

0

Quy mô tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế với trên 14,3 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngày 15/7, cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng tải văn bản trả lời ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phúc Bình Niê KDăm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk liên quan tới nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo NHNN, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ năm 2010, NHNN đã trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định riêng (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP) về tín dụng cho lĩnh vực này, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp tình hình thực tế với các chính sách thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: nâng các mức cho vay không có tài sản bảo đảm; sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị; chính sách giảm lãi suất cho vay khi người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp…

Bên cạnh các chính sách về vốn tín dụng, NHNN đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn cho vay thông thường (hiện nay là 4,5%/năm).

Đồng thời, NHNN cũng triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay phát triển trồng rừng, phát triển chăn nuôi, cho vay hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP,….

Để tạo điều kiện về tiếp cận vốn vay, nâng mức cho vay cũng như giải quyết khó khăn về vấn đề tài sản bảo đảm, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.

Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng. Đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp (như cho vay lưu vụ, cho vay liên kết,…) và người dân ở khu vực nông thôn (như cho vay qua tổ, nhóm….).

Kết quả đạt được là tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, đến nay, quy mô tín dụng đã lên đến gần 2,8 triệu​ tỷ đồng, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế với trên 14,3 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm đạt gần 624 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/04/2017, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật.

Doanh số cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch lũy kế từ năm 2017 đến nay đạt 111.641 tỷ đồng, vượt mức mục tiêu đề ra (bằng 111,6% so với quy mô 100.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ), góp phần thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, người dân, doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể vay vốn với mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70%-80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo quy định.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng và hoạt động ngân hàng; điều hành tín dụng khuyến khích thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, trong đó có chính sách cho vay khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Mở rộng mạng lưới, điểm cung ứng dịch vụ của các TCTD, đặc biệt là hoạt động tài chính quy mô nhỏ, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng nông thôn tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, dịch vụ thanh toán mới, phù hợp, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân ở nông thôn.

Tuệ Minh

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tin-dung-nong-nghiep-nong-thon-chiem-gan-25-so-voi-du-no-toan-nen-kt-a560562.html