Kể từ khi căng thẳng bùng nổ ở Ukraine, một số hãng hàng không đã buộc phải chuyển sang những đường bay khác mà chủ yếu là bay vòng quanh Nga.
Hãng hàng không quốc gia của Phần Lan Finnair đã quyết định mở lại một tuyến đường cũ, đó là Bắc Cực, để đến châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc và các hãng hàng không vùng Vịnh lại không bị ảnh hưởng gì.
Một tuần sau khi xảy ra chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, hành trình của chiếc Airbus A350 của Finnair cất cánh từ sân bay Helsinki đến sân bay Tokyo-Narita ở Nhật Bản đã kéo dài đến gần 13 giờ.
Cơ trưởng của chuyến bay anh Aleksi Kuosmanen đã buộc phải đưa máy bay vòng lên vùng Bắc Cực xa xôi.
Một chút tắc nghẹn nơi cổ họng khi Aleksi nhớ về cha mình, cựu phi công Ismo, người từng là thành viên trong phi hành đoàn của chuyến bay thương mại đầu tiên nối liền châu Âu với Nhật Bản qua Bắc Cực và Alaska.Đó là năm 1983 và Chiến tranh Lạnh bùng phát buộc Finnair phải sử dụng tuyến đường này trong khoảng 10 năm để đến khu vực Viễn Đông. Vào thời điểm đó, cha của Aleksi điều khiển chiếc McDonnell Douglas DC-10.
Chuyến bay được coi là một kỳ công. Kể từ thời gian đó, hầu hết các máy bay đã lên kế hoạch dừng lại ở Anchorage, Alaska để tiếp nhiên liệu cho các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á.
Người Phần Lan thậm chí đã biến điều này thành cách tiếp thị cho hãng khi hành khách được nhận “Chứng chỉ Bắc Cực”.
Không còn tồn tại con đường “ngắn nhất” đến châu Á
30 năm sau chuyến bay đường dài cuối cùng đến Bắc Cực, hãng hàng không Phần Lan đã quay trở lại vùng này.
Đây không phải lựa chọn của họ mà bối cảnh chiến sự bắt buộc máy bay của phương Tây phải bay hướng khác tránh lãnh thổ Nga khi muốn tiếp cận châu Á.Điều này buộc họ phải thực hiện bay vòng, vừa tốn kém thời gian bởi các chuyến bay này đôi khi lâu hơn từ 2 đến 4 giờ, vừa tốn nhiên liệu.
Trên thực tế, Finnair là một trong những công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm bay của Nga.
Trong suốt nhiều năm, thủ đô Helsinki của Phần Lan đã trở thành trung tâm ở “Lục địa Già” cho các chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc miền Đông Trung Quốc và tự hào cung cấp cho hành khách châu Âu “tuyến đường ngắn nhất đến Viễn Đông”.Nhưng đã gần 50 ngày nay, “con đường nhanh nhất” kéo dài 5.000 km qua lãnh thổ Nga bao la, trở thành điều bất khả thi.
Giống như hầu hết các hãng hàng không châu Âu, Finnair đã phải xem xét lại chiến lược của mình. Perttu Jolma, Giám đốc kế hoạch bay tại Finnair, cho biết thời gian bay kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của hãng, làm tăng chi phí nhiên liệu, chi phí cho phi hành đoàn và việc điều hướng”.
Giống như các công ty châu Âu khác, Finnair đã hủy một số chuyến bay, được coi là quá đắt, nhưng đã duy trì các chuyến bay khác, bao gồm cả tuyến chiến lược giữa Helsinki và Tokyo, ngay cả khi thời gian bay đã tăng từ 9 lên 13 giờ giữa hai thủ đô. Điều đặc biệt của chuyến bay này là phi hành đoàn chỉ biết vào phút cuối máy bay sẽ bay theo hướng nào. “Tùy thuộc vào gió, chúng tôi bay từ Nam hoặc Bắc, vòng quanh Nga đến Nhật Bản”, ông Jolma tiếp tục.
Dù đến từ miền Nam hay miền Bắc, máy bay bắt buộc phải chở nhiều dầu hỏa hơn trong các thùng chứa của mình và do đó lượng hành khách trên máy bay và hàng hóa trong khoang sẽ ít hơn rất nhiều. Tuyến đường cực Bắc vẫn là tuyến phức tạp nhất.
Ngoài điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cần có các sân bay thay thế, phòng trường hợp máy bay gặp sự cố kỹ thuật hoặc sự cố khác. “Có những sân bay dọc theo tuyến đường cực ở Scandinavia, Bắc Canada, Alaska và Bắc Nhật Bản mà chúng tôi chưa từng sử dụng trước đây. Cuối cùng, chuyến bay này giống như một ngày bình thường tại văn phòng”, Cơ trưởng Aleksi Kuosmanen giải thích.
Phi công này cho biết thêm: “Với một ngoại lệ, chiếc la bàn từ cũ tốt mà chúng tôi có trong buồng lái đã bị lệch một chút khi đến gần Bắc Cực. Nhưng đây là một công cụ chỉ được sử dụng khi cần thiết và các hệ thống định vị khác trên máy bay giúp duy trì độ chính xác của điều hướng”.
Finnair là hãng hàng không châu Âu duy nhất sử dụng tuyến đường phía Bắc này giữa châu Âu và châu Á. Ở châu Á, Japan Airlines cũng đi theo tuyến này trên chuyến bay giữa Tokyo và London.
Những “ngư ông đắc lợi”
Mặc dù tất cả các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc giá dầu tăng mạnh do căng thẳng ở Ukraine, nhưng một số hãng đang hoạt động tốt hơn những hãng khác.
Trước hết, có những công ty hàng không đã sử dụng “hàng rào” bảo vệ, ít nhất là một phần và tạm thời, để chống lại sự tăng giá này.
Nhiều hãng hàng không “không phải phương Tây” cũng đang thực hiện thay đổi phương án bay. Không giống như các đối tác châu Âu, các công ty hàng không Trung Quốc không cần phải tránh không phận Nga hay phải bay đường vòng rất lớn để đến châu Âu.
Điều này có một lợi thế lớn về chi phí vận hành và tiết kiệm thời gian, từ 2 đến 4 giờ, do đó thu hút hành khách hơn.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang gặp phải những khó khăn của riêng họ, với nhiều hạn chế khác nhau do dịch bệnh COVID-19 lại bùng phát ở một số thành phố.
Trên thực tế, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), chính các công ty vùng Vịnh, như Emirates, Qatar Airways hay Etihad, lại là những “ngư ông đắc lợi”. Do đó, hậu quả của xung đột ở Ukraine sẽ chỉ làm nổi bật vị trí của vùng Vịnh như một trung tâm giữa châu Âu và phương Đông.Tuần trước, người đứng đầu IATA Willie Walsh đã nhấn mạnh về triển vọng hoạt động tích cực của Qatar Airways, một trong những công ty hàng không đầu tiên lấy lại mức tăng trưởng như trước thời kỳ COVID-19, trong khi các đối thủ khác vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Hương Giang
Link nguồn: https://bnews.vn/tinh-the-cua-cac-hang-hang-khong-trong-boi-canh-cang-thang-nga-ukraine/240650.html