“Một cơ chế vượt trội và đột phá để khai phóng hết tiềm năng, dư địa, lợi thế, giúp TPHCM phát triển nhanh, bền vững” là điều mà Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh khi nói về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tính “vượt trội” và “đột phá” nêu trên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết, Nghị quyết 54 hiện hành bao gồm 18 nội dung nhưng trong thực tế, có một số nội dung không thực hiện được, chẳng hạn như việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên một số hàng hóa, dịch vụ.
Lần này, trên tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, sau đó là Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định rõ định hướng phát triển TPHCM và đặc biệt, trong Nghị quyết 31 yêu cầu phải xây dựng cơ chế, nhất là vấn đề phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý Nhà nước ở Thành phố đủ tính vượt trội, để khai thác được thế mạnh của Thành phố, nhất là vị trí, vai trò đối với vùng Đông Nam Bộ và vai trò đầu tàu của Thành phố – một cực tăng trưởng.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH&ĐT xây dựng mang tính hệ thống, bao gồm 7 nhóm nội dung với hơn 40 điểm, theo đó về cơ chế thì mở rộng phân cấp, phân quyền trên 5 lĩnh vực: Quản lý đầu tư, Quản lý tài chính-ngân sách, Quản lý đô thị – tài nguyên môi trường, Quản lý KHCN-đổi mới sáng tạo và Tổ chức bộ máy, trong đó bao gồm cả phân cấp, phân quyền cho TP. Thủ Đức.
“Như vậy, về cơ chế thì có thể hiểu là mở rộng thẩm quyền cho chính quyền Thành phố trên một số lĩnh vực như trên để phát huy năng động, sáng tạo của chính quyền TPHCM trong quá trình quản lý và phát triển”, vị chuyên gia này nhận định, “song song đó, lồng vào đó một số cơ chế, chính sách vượt trội, ví dụ như chính sách để thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược hoặc chính sách để huy động nguồn lực tài chính cho những khu vực mà Thành phố còn nhiều dư địa”.
Bên cạnh đó, ông Trần Du Lịch cho rằng có một điểm rất rõ là bên cạnh định hướng về cơ chế, chính sách cho tương lai thì dự thảo nghị quyết mới còn phải xử lý một số vấn đề đang tồn tại của Thành phố do bị vướng quy định nên chưa thực thi được, ví dụ vấn đề đất đai liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, vấn đề thanh toán chính sách liên đến hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng)…
Ngoài ra, theo chuyên gia này, trong các điểm đột phá thì thấy rõ nét dự thảo lần này đề xuất mở rộng hình thức đối tác PPP trong cả lĩnh vực thể thao, văn hóa và đặc biệt là chính sách để tận dung quỹ đất theo mô hình giao thông gắn với khu dân cư (TOD) để thực thi.
Còn một điểm nổi trội mà ông Trần Du Lịch chỉ ra là sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế thì Chính phủ căn cứ vào nội dung nghị quyết để ban hành một nghị định thi hành nghị quyết này. Có nghĩa là cụ thể hóa tất cả nội dung nghị quyết để làm sao trong tương lai, những nội dung, chính sách quy định trong nghị quyết có thể được thực thi một cách rõ ràng, minh bạch, trôi chảy, không bị vướng bởi các quy định khác như trước.
“Lần này, Thành phố đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới với không chỉ một vài điểm mà mang tính hệ thống hơn trong quản lý Nhà nước trên địa bàn và trong một số chính sách để khai thác nguồn lực. Phải nói rằng, thực chất nghị quyết mới là sự cụ thể hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
“TPHCM vì cả nước”
Trước đó, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo nghị quyết tại một tọa đàm do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức mới đây, PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nghị quyết này nhằm chuẩn bị khung chính sách phát triển cho tình hình mới có rất nhiều biến động về khoa học công nghệ, tình hình địa chính trị. TPHCM có tiềm năng, lợi thế, thuận lợi để phát triển, vấn đề là phải tạo ra một nghị quyết để giải quyết kỳ vọng, ước mơ của TPHCM. Vì vậy, theo ông, việc xây dựng các cơ chế ngoài đột phá, vượt trội cho Thành phố còn phải giúp cho Thành phố giải quyết được các khó khăn mắc phải do vướng hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cần tính đến việc các địa phương trong vùng khi thực hiện các dự án (liên kết vùng) cũng được áp dụng cơ chế nghị quyết như TPHCM để cùng đồng hành phát triển.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nếu muốn tạo đột phá thì nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TPHCM. Thay vào đó, các dự án của Thành phố nhưng có tính liên vùng, liên quan đến các địa phương khác thì HĐND Thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư… theo cơ chế đặc thù dành cho TPHCM. Như vậy, sự thay đổi của TPHCM sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, đẩy nhanh các dự án.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đồng tình khi cho rằng, nghị quyết mới phải bao trùm khái niệm “TPHCM vì cả nước”, khi tiếp cận theo hướng này sẽ tạo sự lan tỏa và phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Tại kỳ họp cuối năm 2022, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 thêm 1 năm, đến 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, UBND Thành phố phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hiện hành. Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung nghị quyết mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn; trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp. Dự kiến đến giữa tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và rà soát các nội dung cho kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023. Nếu không có gì thay đổi thì Quốc hội sẽ cho phép bổ sung nghị quyết mới để xem xét tại kỳ họp này. Nghị quyết mới với 40 nội dung chính sách, chia thành 4 nhóm cốt lõi: Nhóm thứ nhất là tiếp tục thực hiện một số cơ chế trong Nghị quyết 54 hiện hành. Nhóm thứ hai là những cơ chế đặc thù đã có mà TPHCM đang cùng 8 địa phương khác thực hiện. Nhóm thứ ba là những nội dung, cơ chế, chính sách dự kiến đưa vào sửa đổi các luật (đã có trong dự thảo), TPHCM xin thí điểm trước. Nhóm thứ tư là những vấn đề do TPHCM chủ động đề xuất, do các chuyên gia và cơ quan Trung ương gợi ý giúp cho Thành phố. |
Anh Thơ