Tôi biết đến Trần Văn Lê qua một buổi chia sẻ online với Trung tâm Sáng tạo & Ươm tạo (FIIS) của Đại học Ngoại thương (FTU). Anh nổi tiếng với thương hiệu “Vua quạt đất Bắc” và là “Mentor” của trung tâm FIIS – FTU. Bằng những câu chuyện sinh động, hấp dẫn từ đời sống đầy giông bão của một doanh nhân, anh đã truyền cảm hứng đến hàng ngàn sinh viên trẻ tuổi đang khát khao lập nghiệp.
Sự hấp dẫn của câu chuyện khiến chúng tôi đã có cuộc hẹn gặp nhau tại văn phòng của anh ở khu biệt thự Dương Nội và đã có cuộc trao đổi cởi mở suốt buổi chiều.
Trong căn biệt thự sang trọng hai mặt tiền, rộng gần 400m2, xây 4 tầng hiện được cải tạo thành văn phòng làm việc của Công ty Phương Linh. Nơi đây hiện có gần trăm nhân viên miệt mài làm việc. Tôi hỏi: Dịch bệnh, giãn cách xã hội công ty chú có ảnh hưởng nhiều không? Rằng: Nhà xưởng Công ty ở Mê Linh, theo phương châm 3 tại chỗ, anh em có chỗ ăn nghỉ, làm việc nên việc sản xuất vẫn duy trì. Đây là văn phòng, anh em vẫn làm việc online với khách hàng nên vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Lam lũ lúc giao thời
Tôi bảo: Thấy chú có những chia sẻ rất sâu sắc, sức hấp dẫn còn hơn cả những giáo sư chuyên nghiệp trên giảng đường, chú tính đổi nghề chăng? Rằng mình phải trả giá nhiều cho sự dò dẫm làm doanh nhân rồi anh. Nếu ai đó muốn khởi nghiệp, hiểu được những thất bại của người đi trước cũng là một lợi thế. Em nghĩ rằng, chia sẻ cho lớp trẻ cũng là niềm vui và là nghĩa vụ của người đi trước.
Cũng không chỉ riêng với Đại học Ngoại thương, Trần Văn Lê còn có nhiều cuộc giao lưu chia sẻ với sinh viên Đại học Vinh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều câu lạc bộ doanh nhân trẻ khác.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố làm nhà giáo, ở vùng đất Thanh Chương, huyện bán sơn địa giáp Lào cằn cỗi, khắc nghiệt, nắng cháy vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Xót xa cho gia cảnh bần hàn và nghèo khó, Trần Văn Lê luôn nung nấu quyết tâm đi lên bằng việc học để thoát khỏi cái nghèo.
Luôn dẫn đầu trong các cấp học phổ thông, sau khi tốt nghiệp, Lê lên đường nhập ngũ và chính môi trường trong quân ngũ đã rèn luyện cho anh ý chí sắt đá, quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Được cử đi học ở trường 111 thuộc Binh đoàn 11 chuyên về thi công vào lúc nền kinh tế đất nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi cuộc chiến vừa kết thúc.
Kết thúc 4 năm học, Lê bị viêm ruột thừa nhưng do bác sỹ chẩn đoán sai, cho uống thuốc giảm đau dẫn đến vỡ, khi phẫu thuật thì phân tràn ổ bụng, viêm niêm mạc cấp, tưởng như không qua khỏi. Vật lộn với cơn đau cả tháng trời nhưng rồi sức trẻ đã khiến cho anh thoát chết trong gang tấc để trở về đơn vị- Binh đoàn 11 với thân hình tiều tụy chỉ 48 kg và giữ chức “trực ban” chuyên gõ kẻng.
Rồi duyên số đến, Trần Văn Lê lấy vợ, để có đồ cưới, Lê phải ra phố Nam Đồng thuê 1 đôi giày với giá 5.000 đồng, còn phòng tân hôn thì mượn 1 góc ở nhà kho trong khu Quân đội gần Cầu Lũ. Để mưu sinh, anh phải lăn lộn đủ nghề từ việc từ việc quét dọn, bốc vác thuê đến mua trứng vịt, mộc nhĩ, đậu xanh mang từ quê ra chợ Đồng Xuân ngồi bán, rồi mua quần áo, thuốc lá, và cả… pháo Bình Đà về Nghệ An tiêu thụ.
Lúc giao thời, buôn bán bị coi là bất hợp pháp. “Bần cùng sinh đạo tặc” ở cái thời mà ở bến xe, mỗi mét vuông có mấy thằng ăn cắp, người đi buôn không chỉ bị khinh rẻ mà còn bị ức hiếp, chấn lột. Không ít lần Trần Văn Lê gặp đám lưu manh ở bến xe ăn chặn tiền, xin đểu, móc túi nhưng vì kế sinh nhai anh vẫn quyết tâm bám trụ công việc buôn thúng – bán mẹt này với hy vọng có thể tìm ra hướng đi mới cho mình, không để cái nghèo đeo bám.
Tri thức- nhân tố không thể thiếu của doanh nhân
Thật khó mà kể hết những lam lũ lúc giao thời, nhưng rồi khi Nhà nước thừa nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, Trần Văn Lê nghĩ rằng: Đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức. Khi thừa nhận kinh tế thị trường, thương nhân không thể làm theo cách cũ mà phải học một cách bài bản.
Nghe tin trường Kinh tế Quốc dân mở lớp học Quản trị Doanh nghiệp, Lê đăng ký tham gia ngay. Để có tiền đóng học phí, Lê phải vay mượn bạn bè được một chỉ vàng để đi học khóa marketing 3 tháng. Lê tâm sự: em thực sự được khai sáng nhờ khóa học này. Các thầy toàn là những người đọc các sách dạy kinh doanh của Mỹ nên cách tư duy bài bản, mạch lạc. Để thành công, trước hết phải hiểu thương trường, hiểu khách hàng và biết cách tìm kiếm nguồn hàng, huy động vốn và tổ chức kinh doanh.
Trần Văn Lê đã quyết định từ bỏ công việc đi buôn để đi làm thuê cho một cửa hàng chuyên bán đồng nát, chủ yếu là các loại máy móc, thiết bị cũ từ các doanh nghiệp nhà nước để hư hỏng, thải loại hoặc không có phụ tùng thay thế. Ở đây, anh đã có điều kiện tìm hiểu về máy móc, về linh kiện thay thế và các thiết bị cần thiết cho hoạt động của một động cơ.
Nếu chỉ thuần túy bán phế liệu, mức lợi nhuận có thể đạt từ 20 đến 50%, nhưng nếu có phụ tùng thay thế, khôi phục cho máy móc vận hành được, lợi nhuận có thể đạt tới 100%, thậm chí là 300%.
Thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức về kỹ thuật, anh tiếp tục đăng ký đi học Đại học Bách khoa tại chức. Vậy là, ban ngày anh đi làm thuê, khuân vác, giao hàng cho khách, dọn dẹp mướt mồ hôi rồi đêm đến lại đến trường đi học.
Thời thiếu đói, việc vừa làm vừa học đôi lúc đã làm cho anh kiệt sức nhưng với khát vọng mãnh liệt là phải có tri thức khiến anh không bỏ cuộc.
Rồi sau đó, nhờ vay mượn bạn bè anh đã tự mở cho mình một cửa hàng riêng, không phải buôn bán các loại máy cũ mà là tìm mua các loại máy cũ, hỏng về bảo dưỡng, sửa chữa để bán lại với giá cao hơn.
Anh tâm sự: khi còn làm thuê, mình là người tận tâm giúp đỡ người khác, chân thành với họ nên khi biết mình cần tiền mở cửa hàng, nhiều người sẵn sàng cho anh vay theo kiểu tín chấp. Không có một tổ chức tín dụng nào có thể cho một người hai bàn tay trắng vay tiền mà chỉ có thể là những người thân hiểu nhau và trân trọng nhau. Giờ đây khi đã là một ông chủ lớn có hơn 300 công nhân ông vẫn tâm niệm cách sống đó và vẫn biết ơn những người đã mở hầu bao với mình từ thuở còn hàn vi.
Và trở thành “Giáo sư quạt”
Bằng những kiến thức học được ở Đại học Bách khoa, Trần Văn Lê say mê với công việc sửa chữa, khôi phục các thiết bị, máy móc cũ để cung cấp cho khách hàng. Cùng với đó anh tìm kiếm sách vở, tài liệu miệt mài tự học nhằm nắm rõ cấu tạo, công suất, chức năng của từng linh kiện máy móc.
Anh nghĩ: nền tảng của một nền kinh tế phải là sản xuất. Từ đó, anh nung nấu ý định: không chỉ sửa chữa mà còn sản xuất các loại máy móc phục vụ khách hàng, thay vì nhập khẩu. Năm 2000, anh quyết định thành lập công ty TNHH Cơ điện và Thương mại Phương Linh với mục đích sản xuất các loại quạt công nghiệp.
Giờ đây nói đến điều này thấy đơn giản nhưng hơn 20 năm về trước thì đó là ý tưởng liều lĩnh. Thời điểm đó, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc nhà nước mới sản xuất được những mặt hàng phức tạp như vậy.
Với suy nghĩ: Nước ngoài làm được mình làm được, Trần Văn Lê đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Những chiếc quạt công nghiệp đầu tiên ra đã ra đời, sau những đêm thức trắng, những tháng ngày mày mò, tìm tòi trăn trở và cả những thất bại vì ế ẩm, khách hàng không chấp nhận. Rồi khi tưởng như đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng để sản xuất ra những chiếc quạt theo yêu cầu kỹ thuật khắt khe của khách hàng, anh đã thành công.
Nay thì ngon rồi! những chiếc quạt công nghiệp do Phương Linh sản xuất đều có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và đặc biệt là giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến mua quạt của Trần Văn Lê ngày càng nhiều. Và các sản phẩm mang thương hiệu Phương Linh đã có mặt ở mọi công trình trọng điểm quốc gia, chinh phục nhiều khách hàng khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc…
Ngoài nhà máy ở Mê Linh, Phương Linh còn có nhà máy đặt tại tỉnh Long An và Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao cùng với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Quạt công nghiệp của Phương Linh hiện có mặt ở hầu hết các công trình trên cả nước và là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực sản xuất quạt.
Dẫu lịch làm việc dày đặc nhưng Trần Văn Lê vẫn giành thời gian để đọc sách mỗi ngày, coi đó như là nhiệm vụ thiết yếu để cập nhật kiến thức, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Anh tâm sự: Khi làm việc với người nước ngoài mình mới thấy được nhiều bất cập của nền giáo dục nước nhà. Anh khát khao được cống hiến và được góp phần vào sự phát triển và chấn hưng nền giáo dục. Giáo dục là tiền đề để đào tạo nên các doanh nhân giỏi. Có nhiều doanh nhân giỏi mới có thể hoàn thành sứ mệnh dân giàu- nước mạnh.
Anh cũng giành thời gian chia sẻ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, các bạn sinh viên trên nhiều diễn đàn và các chương trình lớn nhỏ. Với việc chia sẻ thường xuyên với sinh viên các trường đại học, Trần Văn Lê tràn đầy năng lượng, tri thức và trách nhiệm, anh không chỉ là “Vua quạt” mà còn là “Giáo sư quạt”. Một bạn sinh viên đã nói với tôi như vậy!
Phan Thế Hải
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/tran-van-le-tu-truong-doi-den-truong-dai-hoc-p35216.html