Các chỉ số về giá dầu, giá cả hàng hóa chung và hoạt động lưu thông hàng hóa đã hạ nhiệt trong tháng 7; đồng thời quan điểm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN Việt Nam vẫn giữ ở mức 14% cả năm 2022 nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá trong nước sẽ là triển vọng lạc quan cho thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 7/2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 9,42%. Như vậy, hạn mức tín dụng 5 tháng còn lại là 4,6%. Điều này dẫn tới việc các NHTM chưa có nhiều động lực tăng huy động tiền gửi. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ chưa có nhiều thay đổi trong tháng 8/2022.
Về lãi suất điều hành, với sự ưu tiên hàng đầu “hỗ trợ phục hồi kinh tế song song với kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất điều hành và lãi suất cho vay trên thị trường 1 ổn định”, cùng với đó là các động thái nhất quán gần đây của Chính phủ về hỗ trợ giá xăng dầu, nhờ đó lạm phát bình quân vẫn đang được kiểm soát ở mức 2,54%, kỳ vọng lãi suất điều hành vẫn giữ ổn định trong nửa cuối 2022.
Theo chuyên viên phân tích Hoàng Huy, CTCK Maybank Serucities, bên cạnh sự điều hành ổn định lãi suất, sự điều hành linh hoạt tiền tệ cũng như dự trữ ngoại hối lớn của NHNN đã giúp nền kinh tế vĩ mô ổn định. Theo đó, kết quả kinh doanh quý 2/2022 của các doanh nghiệp cũng đã chống đỡ thị trường, đồng thời sẽ giảm bớt các yếu tố bất lợi bên ngoài trong những tháng tới.
Xét về hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, theo các chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), sau mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2022, tháng 8 thường sẽ đi vào vùng trống thông tin để thị trường có các cơ sở thay đổi định giá; đồng thời nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong quý 3/2022, mức độ tác động tổng thể các ngành lên chỉ số VN-Index vẫn có nhiều khả quan.
Theo đó, các chuyên viên phân tích VDSC kỳ vọng trong tháng 8, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.200 – 1.300 điểm. Nhà đầu tư có thể giải ngân trở lại một phần danh mục cho chiến lược ngắn hạn, song vẫn ưu tiên giữ một lượng tiền mặt dành cho chiến lược đầu tư dài hạn khi các thông tin hỗ trợ các nhóm ngành dần rõ ràng hơn.
Theo dự báo của các chuyên viên phân tích, có 6/20 ngành vẫn giữ được tăng trưởng tích cực hoạt động kinh doanh trong quý 3/2022, bao gồm: bán lẻ, ngân hàng, du lịch giải trí, điện, công nghệ thông tin, ô tô và dầu khí. Trong đó, các ngành du lịch, ô tô và thực phẩm kỳ vọng sẽ mang lại sắc xanh cho thị trường nhờ sự phục hồi hoạt động kinh doanh, trong khi giá vẫn đang ở vùng chiết khấu.
Ở các nhóm ngành còn lại, VDSC chưa nhận thấy được nhiều động lực thay đổi giá đáng kể từ việc phân tích về triển vọng kinh doanh thời điểm hiện tại. Trong đó, các ngành bảo hiểm, vật liệu xây dựng và hóa chất dự báo sẽ có kết quả kinh doanh giảm trong BCTC quý 3/2022.
Đồng thời, trong giai đoạn này, VDSC lưu ý nhà đầu tư vẫn nên theo dõi diễn biến giá dầu. Trong kịch bản tiêu cực, nếu giá dầu quay trở lại mức trên 130 USD/thùng, điều này sẽ tác động trở lại đến số liệu lạm phát trong các tháng tiếp theo và các kịch bản về việc giảm đà tăng lãi suất của Fed. Do đó, chỉ số VN-Index cũng sẽ có thể diễn biến kém lạc quan hơn so với mức kỳ vọng trước đó.
Trong khi đó, CTCK Maybank khuyến nghị, trong tháng 8, các nhà đầu tư nên quan tâm đến FRT (bán lẻ), VND (chứng khoán), NLG (bất động sản nhà ở), MBB và VCB (ngân hàng). Trong tương lai, mặc dù chuyên viên phân tích Hoàng Huy không kỳ vọng năng lượng và hóa chất sẽ duy trì được đà phát triển, nhưng tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua đối với ngành nhà ở và thép. Hơn nữa, với mức so sánh thấp trong quý 2/2022 và áp lực tỷ giá hiện đã giảm bớt nên tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Hải Yên/Báo Tin tức
Link nguồn: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/trien-vong-lac-quan-cho-thi-truong-chung-khoan-trong-thang-8-20220809133249014.htm