Home Ấn tượng 24H TS Lương Hoài Nam: ‘Grab, Uber không phải là công ty vận...

TS Lương Hoài Nam: ‘Grab, Uber không phải là công ty vận tải’

0

Theo TS Lương Hoài Nam, một số người, vì những mục đích nào đó, đã bóp méo nội dung phán quyết của Tòa Công lý EU, gây nên sự hiểu lầm về Uber

Hiện tranh chấp giữa Vinasun và Grab đang diễn ra nóng bỏng và chưa có hồi kết. Tuy nhiên, tâm điểm của câu chuyện vẫn xoay quanh vấn đề: Uber, Grab là loại hình gì, hoạt động theo “hợp đồng điện tử” hay kinh doanh vận tải? Đó mới là mấu chốt.

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.

– Ngày 20/12/2017, Toà án cấp cao nhất của liên minh Châu Âu (EU) đã có phán quyết “dịch vụ Uber cần được phân loại như một loại hình vận tải”, cá nhân ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Phán quyết ngày 20/12/2017 của Tòa Công lý EU chỉ dài 1,5 trang giấy A4 và khá dễ đọc. Điều đáng tiếc là một số người, vì những mục đích nào đó, đã bóp méo nội dung của phán quyết, gây nên sự hiểu lầm không nhỏ trong dư luận.

Không có câu chữ nào trong phán quyết của Tòa Công lý EU coi Uber là “hãng vận tải”, “công ty vận tải”, càng không có chuyện Tòa phán quyết Uber là “hãng taxi”, “công ty taxi”.

Phán quyết của Tòa Công lý EU, về thực chất, là “liên kết giữa Uber và các lái xe không chuyên nghiệp tại địa phương tạo ra dịch vụ vận tải và dịch vụ đó phải được quản lý như dịch vụ vận tải (mà không phải là dịch vụ internet, dịch vụ thương mại điện tử)”.

Điều thú vị là, gần 2 năm trước phán quyết này, bằng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016, Bộ GTVT Việt Nam đã hiểu đúng, làm đúng và coi liên kết giữa Grab với các lái xe tại Việt Nam tạo ra dịch vụ vận tải. Vì thế, Grab đã được tổ chức quản lý thông qua Kế hoạch thí điểm. Nếu không cho rằng, dịch vụ vận tải được tạo ra bởi sự liên kết này thì Bộ GTVT đã không quản lý nó.

– Thưa ông, Grab, Uber chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật số làm trung gian giữa tài xế và hành khách. Như vậy, việc nói Uber là loại hình vận tải có đúng không?

Việc liên kết giữa Uber, Grab và các lái xe tại địa phương tạo ra dịch vụ vận tải không cho phép suy diễn Uber, Grab là hãng vận tải.

Tôi ví dụ, vợ chồng sinh ra các em bé, nhưng điều đó không cho phép duy diễn là mọi em bé đều được sinh ra bởi liên kết vợ chồng. Chúng ta biết có những em bé sinh ra không phải bởi liên kết vợ chồng, nhưng vẫn có đầy đủ mọi quyền trẻ em.

Trong trường hợp này cũng vậy, để tạo ra dịch vụ vận tải thông qua liên kết với các lái xe tại địa phương, Uber, Grab không nhất thiết phải là hãng vận tải. Nó không phải là hãng vận tải, không bao giờ là hãng vận tải.

Nếu Uber, Grab là hãng vận tải, thử hỏi FastGo của Việt Nam có phải hãng vận tải không? Tất nhiên là không. Tất cả họ đều là doanh nghiệp công nghệ. Họ sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, nên công nghệ ở đây là 4.0 – thứ công nghệ của thời đại mới mà ở Việt Nam ta nói đến rất nhiều và rất muốn phát triển.

Trong mô hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam, các đơn vị này chỉ cung cấp các hợp đồng điện tử, còn việc đăng ký quản lý xe do Hợp tác xã quyết định.

-Vậy theo ông có cần Hợp tác xã là cầu nối trung gian trong dịch vụ này không?

Quản lý thông qua hợp tác xã là mô hình quản lý theo đề án thí điểm ở Việt Nam. Theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT coi dịch vụ Grab là “ô-tô hợp đồng điện tử”, về bản chất không khác mấy so với việc Singapore coi Grab là “Private-Hire Car”, tức là dịch vụ cho thuê xe cá nhân.

Nhưng Singapore không quản lý lái xe thông qua các hợp tác xã. Cá nhân tôi thấy hợp tác xã không có nhiều ý nghĩa trong mô hình dịch vụ này. Vì thế, nên làm như Singapore.

– Việc Grab không có quan hệ trong việc đóng các hợp đồng bảo hiểm cho lái xe, không chịu trách nhiệm khi các xe xảy ra tai nạn… ông đánh giá thế nào về điều này?

Về bảo hiểm xã hội, lái xe ở các hãng taxi là người lao động làm thuê. Luật Lao động bảo vệ quyền lợi của người lao động làm thuê bằng việc buộc người sử dụng lao động phải mua bảo hiểm xã hội cho họ, để họ ốm thì được hưởng bảo hiểm y tế, về già có lương hưu.

Lái xe Grab không phải người lao động làm thuê cho Grab. Họ là người chủ của công cuộc kinh doanh (kinh doanh cùng với Grab). Xe (xe máy, ô-tô) là tài sản của họ. Tiếng Anh gọi những người này là “self-employed”, nghĩa là làm việc cho chính mình, tự mình tuyển dụng mình.

Có mua bảo hiểm xã hội cho chính mình hay không (để khi ốm có bảo hiểm y tế, về già có lương hưu) là do họ tự quyết định. Nhà nước có hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện, mọi người có thu nhập đều có thể mua, chi 22% thu nhập để mua, nhà nước khuyến khích. Hoặc nếu tới đây nhà nước quy định tất cả những người lao động tự do đều phải mua bảo hiểm xã hội thì điều đó cũng sẽ áp dụng cho các lái xe Grab.

Còn về bảo hiểm xe, lái xe, hành khách, tài sản trên xe, bảo hiểm trách nhiệm với các bên thứ ba khi gây tai nạn, theo quy định của pháp luật, ai là chủ xe thì người đó có trách nhiệm mua bảo hiểm. Grab không phải chủ xe thì không thể mua được các loại bảo hiểm này. Nếu tôi sử dụng xe nhà để chạy Grab thì tôi phải mua các loại bảo hiểm đó vì tôi là chủ xe.

– Nếu có thể, xin ông “hiến kế” để vừa phát triển được Grab, Uber nhưng vẫn tạo sự cạnh tranh bình đẳng với taxi truyền thống?

Thứ nhất, taxi là taxi, còn Grab không phải taxi (“taxi công nghệ” chỉ là cách gọi dân gian, tên gọi đó không tồn tại trong văn bản quy phạm pháp luật nào), không thể nói về sự bình đẳng hay sự bất bình đẳng giữa hai loại hình vận tải khác nhau.

So với taxi, Grab cũng có những điều kiện thua thiệt chứ không phải toàn được lợi hơn (ví dụ, xe Grab không được xếp hàng đón khách ở những nơi dành cho taxi tại sân bay hoặc trong thành phố).

Thứ hai, taxi ở nước ta bị “trói” bởi nhiều điều kiện theo các quy định hiện hành, làm cho việc cạnh tranh với Grab rất khó khăn, gần như là bất khả thi. Cuộc cạnh tranh này giống như một cuộc đấu giữa một người bị trói tay, chân, với một người mà tay, chân được tự do.

Các cơ quan quản lý cần cởi trói tối đa cho taxi để các hãng taxi hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn với Grab, để cả hai loại hình cạnh tranh lành mạnh với nhau vì quyền lợi cao nhất của người dân. Tinh thần nhà nước kiến tạo phát triển cần được hiểu theo nghĩa cởi trói cho kẻ đang bị trói, chứ không phải trói kẻ đang được tự do hơn.

Thứ ba, bản thân các công ty taxi cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để mang lại cho hành khách nhiều tiện ích mà Grab có. Nhà tôi thường xuyên sử dụng Grab, FastoGo, không phải vì giá cước rẻ hơn taxi, mà vì mình có thể nhìn thấy xe đang ở đâu, sắp tới chưa, điều đó các hãng taxi chưa làm được. So với Grab, FastGo, các phương thức thanh toán của taxi cũng nghèo nàn hơn. Khi đi taxi, nếu mình muốn nhận xét về lái xe với hãng cũng rất khó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đinh Tịnh/Vietnamfinance