Home Ấn tượng 24H “Tứ đại ngân hàng” đang dần phân hoá theo thời gian

“Tứ đại ngân hàng” đang dần phân hoá theo thời gian

0

Từ nhiều năm trước đây, 4 “ông lớn” ngân hàng (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) là những trụ cột chính chống đỡ lên hệ thống ngân hàng, là nơi cung ứng vốn lớn nhất cho nền kinh tế. Sở dĩ xuất phát là những ngân hàng trọng điểm, hiện nay trong bộ tứ này lại có sự phân hoá rõ rệt.  

Nói đến “Bộ tứ trụ” trong hệ thống ngân hàng Việt, người ta nghĩ ngay tới nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Trong việc giữ nhiệm vụ cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế, đang dần phân hoá theo thời gian. Có ngân hàng tạo dấu ấn vượt trội, cũng có ngân hàng đang chững lại trong hoạt động.

Vietcombank và VietinBank đối lập về lợi nhuận

Mới đây, Vietcombank công bố kế hoạch kinh doanh 2019 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20.000 tỉ đồng, đây là con số cao kỉ lục trong lịch sử các ngân hàng Việt từ trước tới nay, tiếp tục kéo xa khoảng cách giữa Vietcombank và ba ông lớn còn lại.

Vietcombank được nhắc đến như một điểm sáng của ngành ngân hàng nói chung và nhóm 4 “ông lớn” với sự bứt phá mạnh mẽ về lợi nhuận, xử lí nợ xấu. Trong hai năm trở lại đây, Vietcombank vươn lên là nhà băng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống. Cùng với lợi nhuận cao, Vietcombank cũng khá tích vực xử lý nợ xấu, đây là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC đồng thời giữ tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức thấp.

Riêng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 18.300 tỉ đồng, tăng hơn 61% so với năm trước và vượt xa ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big4. Lợi nhuận của Vietcombank gần gấp đôi con số của BIDV và gần gấp ba VietinBank.

Đối với Agribank, đây là ngân hàng kín tiếng nhất trong nhóm Big4 do chưa thực hiện cổ phần hoá, lợi nhuận Agribank thường thấp nhất trong nhóm và điều này chỉ thay đổi khi trong năm 2018, lợi nhuận của VietinBank giảm mạnh 25% so với năm trước với chỉ hơn 6.700 tỉ đồng.

Còn với BIDV, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng khiêm tốn với 10.300 tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm trước trong khi Agribank và VietinBank lại đặt tăng trưởng lần lượt 33% và 41% với mức 10.000 tỉ đồng và 9.500 tỉ đồng. Như vậy, VietinBank đang là ngân hàng có mục tiêu kế hoạch lợi nhuận thấp nhất trong nhóm.

Trong nhóm Big4, tỉ lệ nợ xấu đều có xu hướng giảm qua các năm. Tính đến cuối 2018, tỉ lệ nợ xấu của BIDV là cao nhất với 1,9% tuy nhiên Agribank là ngân hàng có nhiều nợ xấu VAMC nhất. Con số nợ xấu VAMC của Agribank chưa được công bố cụ thể nhưng cuối năm 2017 là trên 40.000 tỉ đồng trái phiếu VAMC, cao nhất trong hệ thống. Cùng với Agribank, BIDV cũng đặt mục tiêu sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu VAMC trong năm nay.

Riêng VietinBank không công bố kế hoạch thanh lí toàn bộ nợ xấu VAMC. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, ngân hàng cũng đã từng đưa số dư trái phiếu VAMC về 0 và chỉ mua lại trong quí IV sau đó với nguyên nhân tái cơ cấu danh mục tài sản để hướng tới chuẩn Basel II. Nợ xấu cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận VietinBank năm 2018 giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu xử lí triệt để được nó, đó sẽ là động lực để VietinBank tăng trưởng trong những năm tới.

4 ngân hàng “kêu cứu” bởi áp lực tăng vốn

Việc áp dụng chuẩn Basel II cùng với tăng trưởng tín dụng khiến nhóm Big4 ngân hàng cùng đứng trước áp lực tăng vốn mạnh mẽ. Cả 4 ngân hàng cũng đều đã “kêu cứu” trong việc tăng vốn.

Theo thống kê, vốn điều lệ của các ngân hàng 4 năm trở lại đây, cả VietinBank và BIDV đều không thay đổi, Vietcombank có được 1 lần tăng vốn. Riêng Agribank hầu như mỗi năm đều tăng vốn nhưng mức tăng khá khiêm tốn, dự kiến là từ quĩ dự trữ tăng vốn được trích hàng năm.

Năm 2019, Vietcombank đặt kế hoạch tăng vốn “khủng” từ 35.978 tỉ lên 51.924 tỉ đồng, tăng 44% so với hiện tại. Đây có thể nói là một kế hoạch khá táo bạo với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại với tỉ lệ 40% (cổ tức bằng cổ phiếu).

Có thể con số kế hoạch của VietinBank không bất ngờ như tại Vietcombank, nhưng việc tăng vốn của ngân hàng khá cấp bách và cần thiết. Trong năm nay, BIDV dự kiến hoàn tất thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank để tăng vốn lên 40.220 tỉ đồng.

Vietcombank chiếm ưu thế nhất trong 4 ông lớn

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có hai nguyên nhân dẫn đến sự phân hoá về kết quả hoạt động của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước trong thời gian gần đây gồm (1) tác động từ yếu tố nợ xấu và (2) điều kiện tăng vốn.

Mặc dù các ngân hàng đều hướng đến sự phát triển đa dạng theo ngành nghề nhưng những ngân hàng thương mại trong nhóm Big4 lại có khác biệt về cơ cấu hoạt động cho vay, sự tập trung ở một số lĩnh vực. Cụ thể, Agribank tập trung cho vay nông nghiệp, BIDV cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, Vietcombank tập trung ở các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Từ yếu tố đặc thù trên dẫn đến cơ cấu tài sản, cho vay của từng ngân hàng là khác biệt và dẫn đến tỉ lệ nợ xấu cũng khác biệt.

Mặt khác, Vietcombank là ngân hàng có ưu thế về điều kiện để tăng vốn, họ đã tìm được cổ đông chiến lược và không bị ràng buộc bởi các tỉ lệ sở hữu và tỉ lệ vốn cấp 2 như tại BIDV hay VietinBank. Bên cạnh đó, Vietcombank còn có được một lợi thế khách quan mà ba ngân hàng còn lại không có được là nguồn vốn ngoại tệ lớn với chi phí thấp. Vietcombank là đầu mối chính trong thanh toán nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nên số dư ngoại tệ gửi tại đây thường lớn hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Đây là nguồn vốn có chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí huy động vốn từ những nguồn khác như tiền gửi và vay từ nước ngoài.

Theo Thu Hoài/Thời báo chứng khoán