Nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, thị trường trái phiếu, BĐS nhiều rủi ro cùng với giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận điểm sáng khi trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Chương trình phục hồi giải ngân rất chậm
Về tăng trưởng kinh tế, bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, theo Ủy ban Kinh tế, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, nhất là quý III tăng 13,67%.
Song, để nhìn nhận toàn diện tình hình phát triển kinh tế – xã hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề đầu tiên được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhắc đến là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai, kết quả còn khiêm tốn khi tỉ lệ giải ngân (tính đến cuối tháng 9/2022) mới đạt 20% tổng số vốn của chương trình.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội – một trong các chỉ tiêu rất quan trọng trong phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đạt thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%), trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch.
Việc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước không sát thực tế, còn quá thận trọng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có thể làm giảm không gian của chính sách tài khóa. Chất lượng thu ngân sách Nhà nước còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô, xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm.
Cơ quan này đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo rõ việc thu ngân sách Nhà nước tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và Nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.
Làm rõ vấn đề cung ứng xăng dầu
Dù tình hình lạm phát được kiểm soát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra vấn đề từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo ông Thanh, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trong quy hoạch, cơ quan thẩm tra lưu ý quy hoạch điện VIII rất quan trọng nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch điện VIII vẫn rất chậm so với yêu cầu, dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng.
Thị trường vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thị trường chứng khoán dù có tốc độ tăng trưởng nhanh và chia sẻ vai trò huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế với thị trường tiền tệ, vẫn tiềm ẩn nhiều biến độ, rủi ro.
Ủy ban Kinh tế dẫn chứng vừa qua, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán… đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, đối với xã hội, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời đề nghị có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Cơ quan thẩm tra thống nhất định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu báo cáo Chính phủ nêu nhưng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%.
“Với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.
Nguyễn Thu Huyền