Đến hẹn lại tới, vào những tháng đầu năm, bà con nông dân ở các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai… sẽ bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu. Quá trình thu hoạch tiêu thường trải dài khoảng hơn 2 tháng bởi đặc thù của hồ tiêu là chín rải rác, không tập trung. Do đó, để kịp thời vụ, các hộ có diện tích lớn thường phải thuê mướn nhân công hái tiêu. Công việc hái tiêu khá vất vả, nhưng bù lại thu nhập cũng được xem là “khá” với tiền công dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/ngày…
Vất vả mưu sinh
Khi các tỉnh vùng Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch hồ tiêu thì cũng là thời điểm thu hoạch hạt điều (đào lộn hột) tới. Chính sự “trùng khớp” mùa thu hoạch của 2 loại nông sản chủ lực này, mà những tháng đầu năm ở đây luôn diễn ra tình trạng thiếu hụt nhân công thời vụ. Không ít người đắn đo lựa chọn công việc, đi lượm điều hay đi hái tiêu thuê(?!). Nếu đi lượm điều, sẽ được làm việc dưới những tán cây mát mẻ nhưng lại khá đau lưng, thời gian kéo dài, thu nhập lại không cao; còn đi hái tiêu, thì phải làm việc trên các trụ tiêu cao, nắng nôi, nhưng bù lại thu nhập khá hơn…
Với những người chọn công việc hái tiêu thuê là họ chấp nhận vất vả, cực nhọc, làm việc trên cao và dưới cái nắng như thiêu như đốt của mùa khô Tây Nguyên. Theo tìm hiểu, một nhân công hái tiêu thuê có thời gian làm việc khoảng 8 giờ trong một ngày, nghĩa là họ bắt đầu công việc sớm hay muộn không quan trọng, miễn là tổng thời gian làm việc phải đủ 8 giờ trong ngày. Thường các chủ hộ thuê mướn nhân công “thoả thuận” rõ ràng ngay từ đầu về tiền công cũng như tổng thời gian làm việc trong ngày để người làm thuê biết. Tuy nhiên, cũng có gia đình trồng diện tích lớn muốn nhân công làm việc thêm vài giờ/ngày để hái cho nhanh, cho kịp mùa. Nghĩa là khoảng 10 giờ một ngày công và họ sẽ trao đổi cụ thể để người làm thuê chuẩn bị tâm lý. Tất nhiên việc làm thêm vài giờ/ngày như vậy thì cũng đồng nghĩa với tiền công sẽ cao hơn…
Tiếp xúc với chị Lê Thị Hương, nhà ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) chị cho biết, khi mùa tiêu tới thì ngoài nhân lực trong vùng, nhiều hộ gia đình trồng diện tích lớn từ vài héc – ta cho tới hơn chục héc – ta sẽ thuê số lượng nhân công hái nhiều. Nếu năm nào mà nhân lực trong vùng khan hiếm, họ nhờ “cò” đi đón người từ các vùng khác tới. Ngay như gia đình chị Hương, do nhà chỉ có vài sào đất, trồng có mấy chục trụ tiêu, nên sau khi thu hái xong của nhà mình thì vợ chồng chị đều dành hết thời gian đi hái tiêu thuê để lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Chị Hương tâm sự: “công việc hái tiêu thuê khá vất vả. Chúng tôi phải làm việc gần chục giờ một ngày dưới cái nắng chang chang. Không chỉ phải chịu nắng nôi oi bức, việc đứng trên thang bắc song hành với trụ tiêu, cao vài ba mét trong khoảng thời gian dài để bứt, tuốt các chùm tiêu cũng luôn khiến máu dồn xuống chân, gây mệt, nhức mỏi cẳng chân…”. Thường là người hái tiêu thuê chỉ có một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi chớp nhoáng để ăn trưa (khoảng chừng 40 phút) ngay tại vườn, rẫy, sau đó lại làm tiếp…
Khác với chị Hương là người bản địa, thì chị Nguyễn Thu Ngát, 35 tuổi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã có 7 mùa tiêu tới Gia Lai “mưu sinh” kiếm tiền bằng công việc hái tiêu thuê. Chị Ngát kể: “gia đình tôi không nhiều ruộng đất, mấy tháng đầu năm công việc không có, vả lại bố mẹ chồng cũng có thể đảm đương lo toan được. Vì vậy, tới mùa thu hoạch tiêu là tôi và chồng lại “ngược” lên Gia Lai để kiếm tiền. Nhìn công việc hái tiêu mọi người cứ nghĩ nhẹ nhàng, nhàn hạ, nhưng kỳ thực vô cùng vất vả….”.
Đúng như lời chị Hương, chị Ngát, cùng một số người khác…, khi len lỏi giữa các vườn, rẫy tiêu ở Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, trong mùa thu hái tiêu năm 2022 này, chúng tôi quan sát, chứng kiến và cảm nhận được sự vất vả của họ với công việc này là có thật. Mùa thu hoạch tiêu lại “rơi” đúng vào mùa khô, nắng chang chang, đến cháy da cháy thịt suốt từ sáng sớm cho tới tối mịt. Vì thế mà những người làm công việc hái tiêu phải nai nịt kín mít từ đầu đến chân, để chống chọi lại ánh nắng. Khi họ leo lên thang cao để hái thì “lĩnh trọn” ánh nắng chói chang chiếu vào đầu, vào người, còn khi xuống dưới gốc thu bạt, lượm tiêu vào bao dẫu được nhàn hơn lúc leo thang, nhưng lại chịu cảnh oi bức vì lọt thỏm trong các trụ tiêu, ít gió nên không khí vô cùng ngột ngạt khó thở…
Anh Vũ Văn Tâm, 40 tuổi, tỉnh Quảng Nam, hàng năm thường hái tiêu thuê tại khu vực xã Cư Huê, Cư Bông, Cư Elang…, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) kể rằng: “thường những người không ốm yếu, có sức khoẻ dẻo dai mới theo được công việc này. Bởi vì, chỉ cần dưới nắng mấy giờ là hoa mắt, chóng mặt dẫn tới cảm nắng, rồi rớt thang là chuyện không thể tránh được. Đó còn chưa kể, công việc hái tiêu này cũng khiến một số trường hợp hi hữu bị “tai nạn nghề nghiệp” té ngã từ trên thang cao xuống dẫn tới hậu quả bị gãy xương, trật khớp, gãy răng… hoặc bị ốm, suy nhược cơ thể, cảm…, do phải làm việc dưới nắng nóng trong khoảng thời gian dài”.
… nhưng cho thu nhập khá
Công việc hái tiêu thuê dẫu vất vả, cực nhọc, nắng nôi…, nhưng bù lại người lao động có được mức thù lao khá cao. Thường là các chủ vườn, rẫy tiêu thuê hái theo công nhật, nghĩa là chủ bao cơm, nước, người lao động làm việc đủ 8 giờ, hết ngày được phát tiền công ngay. Cũng có chủ vườn, rẫy trả công cho người làm theo đợt, nghĩa là hái hết khoảng diện tích trong vòng mấy ngày thì sẽ được trả công một thể…
Chị Nguyễn Thị Lan, 41 tuổi, quê Quảng Ngãi, người đã có “thâm niên” gần chục năm đi hái tiêu thuê, kể: “hàng năm, cứ vào mùa thu hoạch tiêu là tôi lại lên nhà bà chị họ ở thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô (Đắk Nông) tá túc nhờ để đi hái tiêu thuê. Thường tôi sẽ hái tiêu thuê cho các hộ gia đình quanh khu vực thị trấn trong khoảng 2 tháng, ai thuê mướn là tôi làm hết. Có những năm do nhân công khan hiếm, tôi còn huy động cả chồng và con trai lên hái tiêu thuê để kiếm tiền…”. Theo tâm sự của chị Lan, trung bình 1 ngày công đi hái tiêu, chị được chủ rẫy trả tiền công từ 220.000 đến 250.000 đồng, tuỳ theo thoả thuận ban đầu. Cũng có chủ vườn, rẫy rộng rãi “bồi dưỡng” thêm cho mấy chục ngàn 1 ngày làm, chưa kể bao ăn, uống thoải mái.
Mọi năm, khi giá tiêu rớt xuống quá thấp, chỉ hơn 40.000 đồng/kg, người nông dân quá thua lỗ cũng “kéo” theo tiền công của người lao động hái tiêu thuê xuống còn 120.000 đến 140.000 đồng/ngày công. Năm nay, tiêu có giá ổn định, các vựa thu mua ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg nên vì thế mà nhân công thu hái tiêu được trả tiền công cao hơn trước. Niềm vui của các chủ vườn, rẫy cũng là niềm vui của những người làm thuê. Không ít người làm công việc hái tiêu thuê còn cầu mong cho giá tiêu đạt “đỉnh” trên 200.000 đồng/kg như cách đây gần chục năm, để họ được các chủ vườn, rẫy “đãi ngộ” cao hơn nữa…
Tiếp xúc với anh Trần Văn Nam, 37 tuổi, quê Thanh Hoá, người từng có nhiều năm hái tiêu thuê tại một số xã như: Kông Htok, A Yun, Bờ Ngoong…, của huyện Chư Sê (Gia Lai), chúng tôi được biết, sở dĩ anh biết tới công việc hái tiêu thuê là do một người hàng xóm lấy chồng ở Gia Lai thường gọi điện rủ anh, cũng như một số nhân lực ở quê vào Tây Nguyên hái tiêu thuê kiếm tiền vào mỗi mùa thu hoạch. Anh Nam cho hay, trung bình mỗi mùa tiêu qua đi anh kiếm được khoảng chục triệu đồng từ công việc này. Do đặc thù của công việc hái tiêu thuê theo thoả thuận công nhật là chủ bao ăn uống hết, không phải chi tiêu thêm khoản gì, nên mỗi ngày làm ra hơn 200.000 đồng tiền công là bỏ túi để dành. Không những vậy, chủ nhà còn bố trí lo cho chỗ ăn chỗ ngủ cho công nhân tỉnh ngoài, hay ở xa cách chừng vài chục km. Còn với những người dân bản địa quanh vùng đi hái tiêu thuê thì hết giờ làm việc họ sẽ về nhà, hôm sau lại tới làm tiếp.
Theo đặc thù mùa thu hoạch tiêu thường rải rác, kéo dài trong khoảng vài tháng, chính vì vậy mà những người làm công việc hái tiêu thuê thường có việc rất đều, không bị ngắt quãng. Họ cứ làm hết nhà này thì nhà kia đã chờ để “đón” tiếp. Nhờ thế mà thu nhập có liên tục. Chị Lê Thị Thành cùng chồng là anh Nguyễn Văn Huấn, quê ở huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, từ 6 năm nay, hễ cứ tới mùa tiêu là cả hai vợ chồng đều xuống Gia Lai hái tiêu thuê. Chị kể: “kinh tế gia đình với 5 miệng ăn chỉ trông vào 3 sào đất rẫy trồng mì nên quanh năm túng thiếu. Chính vì vậy mà vợ chồng chị đều đi làm thuê, làm mướn để lấy tiền phụ chi tiêu… so với các công việc làm thuê khác như: làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, xới đất, cắt tỉa cành… tiền công chỉ được trung bình khoảng 150.000 đồng/ngày, thì đi hái tiêu thuê có tiền công cao hơn nhiều. Tuy vậy, các chủ vườn, rẫy họ cũng “kén” người nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, chứ người yếu nhiều khi họ cũng chê, không thuê, bởi họ sợ không làm nổi hoặc làm được nhưng không năng suất… theo đó, mỗi vụ tiêu qua đi, hai vợ chồng chị sẽ có nguồn thu khoảng 20 triệu đồng. Với số tiền kiếm được ấy giúp cho vợ chồng chị giảm áp lực hơn trong chi tiêu sinh hoạt, đóng tiền học hành của 3 đứa con…”.
* Nghề hái tiêu thuê vất vả là vậy, nhưng lại là công việc “hái ra tiền” của những người lao động quanh năm vất vả mưu sinh…
Thạch Bích Ngọc
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/vat-va-muu-sinh-bang-nghe-hai-tieu-thue-p39317.html