Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/8, nêu câu hỏi ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho biết, theo nghiên cứu, tại Việt Nam, tỉ lệ người dân sinh sống, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cao, tuy nhiên, đây cũng là những người có thu nhập bình quân thấp, bấp bênh, nhất là những vùng thuần nông.
Đây cũng là mâu thuẫn giữa thực trạng đời sống của người dân với chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn số liệu, tỉ lệ người dân nông thôn là 27%, nghĩa là trong suốt quá trình vừa qua đã kéo giảm khu vực nông nghiệp và giảm tỉ trọng người dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, cư dân ở nông thôn khoảng 65%, tức là ở nông thôn bao gồm cán bộ, công chức và những người hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và nông thôn cũng rất là lớn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có những giải pháp không chỉ cho những người nông dân trực tiếp và những người lao động ở khu vực nông nghiệp, tính toán hài hòa cả người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và những người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Theo đó, đảm bảo là người người dân vẫn còn giữ đất nhương trong thời gian không sử dụng thì có cách để quỹ đất đó tạo ra của cải, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.
Cũng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới? Câu hỏi này cũng xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian qua?
Giải đáp nội dung trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.
Theo Bộ trưởng, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Hiện, chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa, có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Đó cũng là một vấn đề. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác”.
Nếu tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Nguyễn Phương Anh