Na Đông Triều mang lại giá trị cao nhất cho người dân địa phương trong năm 2023, Quảng Ninh kỳ vọng doanh thu quả na sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Theo TTXVN, thị xã Đông Triều là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều nông sản nổi tiếng, được thị trường nhiều nơi biết đến, trong đó có quả na – thương hiệu OCOP của địa phương.
So với nhiều loại hoa quả của thị xã Đông Triều, quả na vẫn mang lại giá trị cao nhất, là cây làm giàu của người dân. Năm 2023, thị xã Đông Triều kỳ vọng doanh thu quả na sẽ đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Đông Triều đang có 900 ha trồng na, trong đó có gần 400 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Các xã có diện tích trồng na lớn nhất trong huyện gồm: An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê… Trong vài năm trở lại đây, na trở thành cây trồng làm giàu cho người dân, có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Năng suất của na tại Đông Triều đạt năng suất trung bình hơn 124 tạ/ha với giá bán dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg. Chính vì thế, địa phương đang kỳ vọng doanh thu niên vụ của 2023 sẽ đạt 300 tỷ đồng. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi mà sản lượng và giá bán của na đang tăng lên từng ngày.
Na Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu… và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó na chín đến đâu có thương lái thu mua đến đó. Chuyện nhà vườn thu lãi hàng trăm triệu đồng hay tỷ đồng mỗi năm ở Đông Triều không phải là chuyện hiếm. Vì thế, nhiều năm nay, cây na đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của thị xã, tập trung chủ yếu ở các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê…
Chị Hà Thị Minh (xã Việt Dân) cho biết, nhà có hơn 1 mẫu vườn trồng na, vào tuần 4 của tháng 7, na bắt đầu chín. Khi đó cũng là lúc thương lái về tận vườn để ngã giá thu mua. Na dai Đông Triều đang bán giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Riêng na bở, do ngày càng hiếm nên được thương lái thu mua tận vườn, giá hơn 100.000 đồng/kg (loại 300-350 gram/quả).
“Nếu chăm sóc tốt thì đến mùa thu hoạch, mỗi cây sẽ cho khoảng 20 quả đạt chất lượng. Quãng thời gian này ai cũng bận từ sáng đến tối, có hôm cắt na quá cả giờ ăn trưa”, chị Minh phấn khởi nói.
Trao đổi với báo Nông Nghiệp, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm về quả na có chất lượng tốt, sản xuất theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP chưa được triển khai phổ biến trên địa bàn, do đó giá trị của sản phẩm này chưa có sự khác biệt so với các nhà vườn sản xuất theo hướng truyền thống.
“Về sản xuất đã đảm bảo quy trình nhưng với bao bì, tem nhãn đã dày công gây dựng nhãn hiệu na dai Đông Triều và có bảo hộ nhãn hiệu thì việc đưa ra thị trường sử dụng nhãn mác chưa nhiều và chủ yếu bán theo hướng truyền thống nên có sự bấp bênh và ép giá. Vì vậy, cần có sự liên kết qua các sở ngành để bán hàng bài bản và mang lại giá trị cao hơn.
Ngoài ra, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tại các vùng trồng na từ chất đất, kỹ thuật canh tác, phân bón,… cũng chưa đạt kỳ vọng nên giá trị kinh tế từ quả na chưa đạt mức tối đa. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đây là xu hướng sản xuất an toàn và diện tích trồng na ở Đông Triều có lợi thế để áp dụng mô hình này để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp”, ông Đức nói.
Địa phương đang nỗ lực phấn đấu đưa na trở thành cây trồng trọng điểm trên địa bàn, trở thành sản phẩm làm giàu cho kinh tế của Đông Triều.
Kế hoạch của huyện đến năm 2025 sẽ phấn đấu nhân rộng lên 665ha đạt chứng nhận VietGap, 100% diện tích trồng theo tiêu chuẩn của VietGap và 65 ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Điều này nhằm tạo lên một thương hiệu na chất lượng cao. Cũng qua đó có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Trúc Chi (t/h)