Một số ngân hàng quy mô vốn nhỏ vẫn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, xử lý nợ xấu lớn khiến cho lợi nhuận rất thấp, chỉ vài chục tỉ đồng như VietAbank, NCB…
Đây là hai ngân hàng có kết quả lợi nhuận lẹt đẹt trong nhiều quý liên tiếp, chưa tương xứng với quy mô vốn điều lệ hơn 3.000 – 4.000 tỉ đồng hiện nay.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với thu nhập lãi thuần chỉ đạt 452 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ quý 2 năm trước. Các hoạt động kinh doanh cốt lõi đều tụt dốc với khoản lỗ gần 7 tỉ đồng ở mảng hoạt động dịch, trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối sụt giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng giảm mạnh 62%, xuống còn gần 610 triệu đồng.
Điểm bất ngờ là lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận hơn 23 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước bị lỗ gần 820 triệu đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 2 tỉ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư chỉ lãi 900 triệu đồng…
Do đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 181 tỉ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù VietAbank đã cắt giảm 44% chi phí trích lập dự phòng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 89 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 74 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này mới chỉ hoàn thành được 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Riêng trong quý 2/2019, lợi nhuận trước thuế của VietABank đã tăng trưởng tích cực đạt 66 tỉ đồng và lãi sau thuế còn 51 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ quý 2/2018. Lợi nhuận bị ảnh hưởng do ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, lên tới 92 tỉ đồng trong quý 2.
Đến hết tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của VietAbank tăng trưởng 7% so với đầu năm, đạt hơn 40.307 tỉ đồng. Nhưng ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro, chiếm hơn 423 tỉ đồng. Điều này cho thấy vấn đề chất lượng tín dụng nếu không được kiểm soát và cải thiện tích cực hơn, sẽ khiến nhà băng phải tốn thêm chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu, dẫn tới tiếp tục “bào mòn” lợi nhuận.
Cùng quy mô vốn nhỏ, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đang chịu áp lực phải kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm dự phòng rủi ro để cải thiện con số lợi nhuận trên báo cáo từ lâu nay đã ở mức rất thấp, nằm ở nhóm bét bảng của ngành ngân hàng.
Báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý 2/2019 của NCB chỉ đạt vỏn vẹn hơn 7 tỉ đồng, tăng tới 233% khi so với cùng kỷ năm trước và lãi sau thuế còn 5,8 tỉ đồng. Luỹ kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng qua đạt hơn 20 tỉ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 28,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong nửa đầu năm nay, các hoạt động kinh doanh chính của NCB đều sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 11,4% chỉ đạt 432 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 26%; hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn tiếp tục lỗ 5,3 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh khác giảm hơn 82% lãi thuần. Hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận 9,7 tỉ đồng lãi thuần, tăng 51%.
Số lợi nhuận 20 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay chủ yếu nhờ việc NCB cắt giảm mạnh 41% chi phí dự phòng rủi ro và các khoản xử lý nợ xấu theo đề án. Hiện, NCB không công bố báo cáo chi tiết về nợ xấu.
Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh doanh của VietABank và NCB cũng đạt rất thấp và còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra.
Tại NCB, tổng tài sản tính đến 30/6/2019 tiếp tục giảm 2,4% xuống còn 79.696 tỉ đồng, dư nợ cho vay khách hàng tăng 1,6% lên mức 36.261 tỉ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 14,4% đạt 53.932 tỉ đồng.
Cùng thời điểm, tổng tài sản của VietABank đang hồi phục tích cực lên mức khoảng 68.345 tỉ đồng nhưng vẫn bị giảm tới 4% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.946 tỉ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% so với đầu năm, đạt hơn 40.307 tỉ đồng và phải tăng chi phí dự phòng 7%, lên hơn 423 tỉ đồng. Trong khi đó, huy động tiền gửi chỉ tăng 6% lên đạt gần 43.788 tỉ đồng.
Mặc dù năm 2019, hai nhà băng VietABank và NCB đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh, tài chính cao hơn năm trước, song kết quả nửa đầu năm lại đạt rất khiêm tốn, thậm chí con số lợi nhuận thấp không tương xứng. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh 6 tháng qua, trong đó, hai nhà băng đều đang gặp khó về vấn đề tăng vốn điều lệ để có thêm nguồn lực cho vay, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính theo quy định. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn loay hoay xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro tốn kém khiến cho VietAbank và NCB đã và đang phải kinh doanh trong tình thế vừa chạy đua tăng trưởng, vừa tìm cách “co kéo” lợi nhuận.
Theo Hải Hà/Môi trường và đô thị