Vietjet đề xuất đầu tư sân bay Điện Biên đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm nhà ga hành khách mới công suất 2 triệu khách, khu bay, đường giao thông kết nối và hạ tầng hàng không, với tổng mức đầu tư là 4.465 tỷ đồng.
Vietjet đề xuất đầu tư sân bay Điện Biên
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn vừa ký công văn số 242/UBND-TH đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biện do Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đề xuất.
Theo đề xuất, Vietjet sẽ xây dựng mới 1 nhà ga hành khách hiện đại, 2 cao trình, diện tích sàn khoảng 16.000m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45m, kết cấu bê tông xi măng có thể đón được tàu bay A320/B737; xây mới sân đỗ tàu bay có diện tích 21.000m2, đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.
Tổng mức đầu tư dự án là 4.465 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.242 tỷ đồng (nhà ga hành khách 693,8 tỷ đồng, khu bay 807 tỷ đồng…); chi phí thiết bị 394 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng là 1.101 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 21 tỷ đồng; lãi vay 103 tỷ đồng…
Vietjet đề xuất Nhà nước sẽ tham gia vào dự án khoảng 2.610 tỷ đồng, tương đương 58,5% tổng mức đầu tư; phần nhà đầu tư góp vốn là 1.855 tỷ đồng, tương đương 41,5% tổng mức đầu tư.
Như vậy, sân bay Điện Biên sẽ được đầu tư đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng, khu bay, đường giao thông kết nối, đường nội bộ, hàng rào cảng và xây mới khu nhà ga hành khách.
Công văn của tỉnh Điện Biên cho hay, về hình thức đầu tư, Vietjet đề nghị công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ do UBND tỉnh Điện Biện sắp xếp, bố trí vốn; các công trình khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, đường lăn nối) sẽ sử dụng 100% ngân sách.
“Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Vietjet sẵn sàng thu xếp phần vốn để đầu tư các công trình khu bay nhưng không tham gia vào các hạng mục này để đảm bảo sự chủ động, đáp ứng tiến độ đề ra (hoàn thành dự án vào năm 2021). Đài kiểm soát không lưu cũng sẽ được xây mới bằng nguồn vốn ngân sách”, công văn nêu rõ.
Đối khu nhà ga hành khách, Vietjet đề xuất áp dụng theo hình thức BOT, thời gian thực hiện hợp đồng là 55 năm.
Riêng đối với nhà ga hành khách, ACV sẽ phối hợp với nhà đầu tư được lựa chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại nhà ga hiện hữu. Nhà đầu tư sẽ trả cho ACV một khoản phí nhượng quyền hàng năm trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.
Trước đó, vào tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những tồn tại trong hoạt động hàng không tại Cảng hàng không Điện Biên để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm giá thành vận tải.
Đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 20/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Điện Biên được tập trung nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc sớm đầu tư và xây dựng mở rộng cảng hàng không đáp ứng quy mô quy hoạch là cần thiết, nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, nâng cao năng lực vận tải hàng không.
Theo Đức Hoàng/VietnamFinance